Seatimes – Sáng ngày 28/2/2023, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại diện ban quản lý các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam và chuyên gia trong các lĩnh vực của UNESCO.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao những thành tích đạt được trong năm 2022 của Ủy ban trong các lĩnh vực hợp tác với UNESCO. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 3 cơ chế điều hành và chuyên môn quan trọng của UNESCO gồm Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban ban liên chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn đa phương ngày càng được nâng cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự cảm ơn về công tác hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Ban thư ký, đồng tình với những đánh giá về hoạt động Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc ghi nhận những đóng góp thiết thực và quý báu của các đại biểu cho phương hướng hoạt động của Ủy ban trong năm 2023. Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO cũng như góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Ủy ban đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, gồm: nghiên cứu các ý tưởng của UNESCO góp phần hoàn thiện chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin truyền thông; thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động nguồn lực xã hội hóa các hoạt động của UNESCO; phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại các cơ chế quan trọng Việt Nam hiện đang là thành viên.
Vừa qua, Việt Nam đã được UNESCO ghi danh thêm 4 danh hiệu gồm Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm – di sản văn hóa phi vật thể; 2 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Bia Mai Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu; thành phố Cao Lãnh tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu UNESCO. Tổng giám đốc UNESCO đã bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2022.
Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm – di sản văn hóa phi vật thể
Chiều 29/11/2022 “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được ghi vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Quyết định này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11 đến 3/12 tại thủ đô Rabat của Maroc.
Với sự ghi nhận này của UNESCO, đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm Gốm thủ công truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Việc ghi danh cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.
Bia Mai Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Động Tàng Chơn có 20 ma nhai. Động Vân Thông có 2 ma nhai. Động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.
Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ, bao hàm cả địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn.
Đặc biệt, cũng qua Ma Nhai, hậu thế ngày nay biết thêm diện mạo ban đầu, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn – một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”. Lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến.
Sáng ngày 1/3/2023, Đà Nẵng đón nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới đầu tiên: Tư liệu Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 – 1943)
Sáng 26/11/2022, tại thành phố An Đông, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) họp lần thứ 9 đã bỏ phiếu bầu chọn Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 – 1943) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) do Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm, thẩm định và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Đây là Bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu (trước đây thuộc xã Trường Lộc, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc).
Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943), trong tôn vinh – ban thần, ban mỹ tự – trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt (gồm: bà Phan Thị Trừu nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, khen Nguyễn Huy Quýnh đỗ tiến sỹ và mừng thọ 70 tuổi Nguyễn Huy Cầu).
Hồ sơ Văn bản Hán Nôm làng văn hóa Trường Lưu (1689-1943) trình UNESCO khẳng định: “Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam cụ thể là làng Trường Lưu; giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử của đất nước trong một thời gian dài (1689-1943). Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản”.
Di sản này là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu những giá trị truyền thống chung có nguồn gốc sâu xa, nhấn mạnh việc tu dưỡng bản thân và giáo dục gia đình ở các nước châu Á. Đây cũng là những tài liệu quý giá để tìm hiểu về việc áp dụng và thực hành chế độ khoa cử Nho học nhằm tuyển dụng người tài phục vụ đất nước trong chế độ quân chủ Việt Nam và tác động của nó đối với giáo dục, phát triển văn hóa và đời sống của cơ sở…
Thành phố Cao Lãnh tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu UNESCO
Ngày 02/9/2022, thành phố Cao Lãnh chính thức là một trong số 77 thành phố từ 44 quốc gia ghi danh vào “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, nâng tổng số thành phố trong hệ thống này của UNESCO lên 294 thành viên ở 76 quốc gia.
Tại buổi lễ, bà Miki Nozawa -Trưởng Ban Giáo dục Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, khái niệm học tập suốt đời được UNESCO xác định bao gồm các hoạt động học tập cho mọi người ở mọi lứa tuổi, trẻ em, thanh niên, người lớn và người già, phụ nữ, nam giới trong mọi không gian, gia đình, trường học, cộng đồng, nơi làm việc và thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO đã được thiết lập để hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hành học tập suốt đời bằng cách thúc đẩy đối thoại chính sách, học hỏi nhau giữa các thành phố thành viên. Việc 02 thành phố học tập của tỉnh Đồng Tháp được kết nạp vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO cho thấy ý chí mạnh mẽ của các lãnh đạo và các bên liên quan trong cộng đồng nhằm triển khai học tập suốt đời cho mọi người.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ