Seatimes – Tin VPCP, sáng 27/2/2023 , tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự khai mạc và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Phiên họp có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng các nước cùng Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng thư ký, Cao ủy Nhân quyền LHQ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Nội dung Phiên họp đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.
Đây là hoạt động đầu tiên của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ chuyến tham dự phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ từ ngày 27-28/2. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng sẽ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Geneva; tiếp lãnh đạo và quan chức một số nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia này.
“Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025”, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh.
Theo Đại sứ, đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu; đồng thời đề cao chiến lược cũng như chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm của sự phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ quá trình phát triển mang lại.
Được thành lập năm 2006, Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Hội đồng Nhân quyền có 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý, cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ Latin và Caribbe 8 ghế, Nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế.
Các thành viên có nhiệm kỳ 03 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục. Hội đồng Nhân quyền LHQ bầu Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 01 năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ, Cao ủy Nhân quyền khẳng định ý nghĩa của Tuyên ngôn Nhân quyền thông qua 75 năm trước và Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, nhấn mạnh các văn kiện này là nguồn cổ vũ cho nỗ lực chung của các nước và nhân dân thế giới đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua.
Chủ tịch Đại hội đồng Csaba Kőrösi nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang là khủng hoảng của thế hệ hiện nay, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng nhiều quyền con người, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thay đổi cách tiếp cận và kêu gọi coi quyền được sống trong môi trường sạch, trong lành và bền vững là một quyền con người.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ lo ngại về tình trạng suy giảm của gắn kết và lòng tin xã hội, đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến bảo đảm quyền con người trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, lạm dụng công nghệ, trong đó có nạn tin giả.
Cao ủy Nhân quyền Volker Türk khẳng định quyền con người là “ngôn ngữ chung” của nhân loại và có khả năng kết nối, đoàn kết thế giới, vượt qua chia rẽ; kêu gọi các nước giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác đa khu vực và đoàn kết để xử lý những thách thức hiện nay; hy vọng những bước tiến của công nghệ trong tương lai sẽ góp phần giải quyết các thách thức về đói nghèo, bất bình đẳng.
Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rẳng thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt chưa từng có như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột…; người dân ở nhiều nơi, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương đang hứng chịu những tác động tiêu cực nhất. Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu chung về bảo đảm các quyền con người, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, lấy con người làm trung tâm.
Phương châm tham gia Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam
Việt Nam kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người (VDPA) là những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, những thành tựu đó đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch COVID-19…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ sự sẻ chia sâu sắc với những mất mát của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất gần đây gây ra và thông báo về những sự trợ giúp cụ thể và khẩn trương của Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân hai nước.
Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Phó Thủ tướng thông báo về quyết tâm, những nỗ lực, đồng thời đề cao những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là duy trì được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỉ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.
Phó Thủ tướng khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”.
Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên tập trung thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu, Hội đồng Nhân quyền LHQ cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể.
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của các tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ từ khi cơ quan này được thành lập, trong đó Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, việc tham gia và đóng góp tích cực trong Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hoà bình,đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo; đồng thời, góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành và toàn dân cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của LHQ và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trên cương vị là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam sẽ chủ động dẫn dắt, thúc đẩy các sáng kiến để thể hiện dấu ấn và phát huy lợi ích của mình theo các hình thức phù hợp với quy định và thông lệ tại Hội đồng Nhân quyền, trong đó tập trung vào những vấn nội dung như: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Hội đồng nhân quyền; quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu; chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy bình đẳng giới; quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; quyền sức khỏe; quyền việc làm; quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ