Gia đình văn hóa Thủ đô vẫn "đuổi" mẹ ra đường
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2014, dư luận xôn xao vụ cụ bà Nguyễn Thị Tú (83 tuổi) đang đau ốm bị con cái để cho nằm ngoài đường suốt gần 1 ngày.
Hình ảnh cụ Tú bệnh tật bị các con cho nằm ngoài đường khi trời mưa gió. Ảnh: IE
Theo đó, ngày 30/6, khi cụ Tú đi chữa bệnh từ Bắc Ninh về đến ngôi nhà số 42 ngõ 2, phố Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội thì thấy khóa ngoài. Người con trai thứ là Nguyễn Thế Sơn bỏ về, còn hai người con gái Nguyễn Thị Như và Nguyễn Thị Thoa ở lại với mẹ và đợi cửa.
Theo Baodatviet, những người con của bà cụ 83 tuổi giải quyết bằng cách để mẹ nằm từ sáng đến chiều chờ chị dâu là Nguyễn Thị Kim Bảo về mở cửa, trong khi cụ đang rất yếu, còn trời mưa nắng thất thường. Đến 17h cùng ngày, nhân dân làm chứng cho con gái của bà Tú phá khóa đưa bà vào nhà.
Sau đó, người con dâu cho biết khi các con đẻ của cụ Tú đặt mẹ nằm ngoài cửa, chị đang phải trốn nợ nên không thể về mở cửa cho mẹ chồng vào nhà. Trong buổi giảng hòa tối hôm đó giữa các con chị Bảo và các cô là con gái của cụ Tú, các cháu còn nhất quyết không cho các cô vào nhà để chăm bà vì sợ bị… chiếm nhà.
Về hoàn cảnh của cụ Tú, theo Tổ trưởng Tổ dân phố ngõ 2, đường Phúc Xá thì cụ Tú có 5 người con, cụ sống cùng con trai cả là Nguyễn Thế Hải và con dâu Nguyễn Thị Kim Bảo cùng 2 cháu ở ngôi nhà số 42 ngõ 2, phố Phúc Xá.
Năm 2005, anh Hải đi tù và mất, cụ vẫn ở tại căn nhà trên. Cách đây vài tháng, cụ Tú bị ngã và gẫy xương chậu, xương đùi, sau khi điều trị ở bệnh viện, các con đẻ của bà đưa đi chữa trị ở một cơ sở đông y tại Bắc Ninh. Sau 2 tháng điều trị không tiến triển, cụ Tú được các con đưa về ngôi nhà nói trên bằng taxi. Tuy nhiên, lúc này cửa khóa ngoài, các con của cụ Tú đã để cụ nằm ngoài cửa chờ chị dâu.
Tuy nhiên, cả ngày hôm đó không có ai về mở cửa, cụ Tú đau yếu phải ở trong taxi suốt chặng đường từ Bắc Ninh về Hà Nội, rồi lại được được kê giường gấp ra nằm ngay ở cửa nhà số 42. Trời đổ mưa, thấy thương tâm quá, hàng xóm đưa vào nhà mình để nằm nhờ. Đến 17h cùng ngày, bà cụ lại bị các con khênh ra nằm trước cửa nhà. Trước sự bất bình của những người xung quanh, chính quyền địa phương, cán bộ tổ dân phố cũng có mặt để các con gái của cụ Tú phá cửa đưa cụ vào nhà.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên cụ Tú bị "đẩy" ra đường. Hồi đầu năm 2013, cụ Tú bị ngã gãy tay, các con đẻ của cụ sau khi đưa mẹ đi chữa về cũng để mẹ nằm ngoài cửa như vậy. Do không được chăm sóc tử tế, sau cú ngã gãy tay dó, xương của bà cụ không lành lại được và một cánh tay sau đó vẫn lủng lẳng.
Được biết, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Bảo được vào danh sách xét gia đình văn hóa của phường, sau sự việc xảy ra với bà Tú, Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết sẽ kiên quyết không để gia đình chị đạt được danh hiệu này. Trong khi đó, gia đình của 2 người con gái cụ Tú – những người đã để mẹ nằm ngoài cửa cả gần 1 ngày chờ chị dâu – cũng đều là gia đình văn hóa.
3 con không nuôi nổi một mẹ
Hồi tháng 3/2014, ĐS&PL cũng đưa tin về trường hợp một người mẹ gần 80 tuổi bị các con trai tị nạnh rồi đem chở mẹ ra đường bỏ lại. Cụ bà Đỗ Thị Phiếu (78 tuổi), trú ở xóm Đông, thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là người mẹ bất hạnh bị chính các con trai bỏ bơ vơ giữa đường trong đêm vắng.
"Gần đất xa trời", cụ Phiếu bị các con trai ruồng rẫy, đẩy ra đường. Ảnh: PNO
Bà Phiếu có 3 con trai là Nguyễn Ngọc Thống, Nguyễn Ngọc Sáu và Nguyễn Ngọc Bộ. Từ 3 năm trước, bà Phiếu sống cùng con trai cả là Nguyễn Ngọc Thống, nhưng anh Thống đi làm ăn xa, dịp trước tết Giáp Ngọ, con út cụ Phiếu là anh Bộ có gây mâu thuẫn với vợ anh Thống. Phía nhà vợ anh Thống khuyên chị này không nuôi mẹ chồng nữa, đến ngày mùng 7 tết, con dâu trưởng đưa cụ Phiếu đến nhà con út ở.
Khoảng 3h sáng ngày 8 Tết, vợ chồng người con út bàn nhau gọi một người chạy xe ôm đến nhà, nói là chở bà mẹ già tới bỏ ở nghĩa trang xã Bình Hòa (gần nhà ông Thống). Người xe ôm tốt bụng bảo rằng đó là việc làm thất đức, tàn nhẫn, dù có cho nhiều tiền cũng không làm. Thấy vậy, cụ Phiếu đau lòng nói với con: "Chúng mày có làm gì tao thì cũng đợi đến sáng mai đã chứ. Tao già yếu thế này rồi, đêm hôm lạnh lẽo khuya khoắt tụi mày đưa tao ra đường, lỡ tao chết thì lại làm khổ tụi mày".
Đến rạng sáng, người con út của cụ Phiếu vẫn lấy xe máy chở mẹ bỏ trước nhà một người hàng xóm của anh cả. May mắn, người hàng xóm này nghe được tiếng kêu yếu ớt của cụ Phiếu nên mở cửa đưa cụ vào nhà. Theo lời kể của người hàng xóm thì lúc nghe tiếng gọi của bà Phiếu đã gần 4 giờ sáng mùng 8 tết Giáp Ngọ. Khi đó, cụ Phiếu rất yếu, người tím tái, run cầm cập vì trời lạnh cắt da cắt thịt. Đến gần sáng thì con dâu cả đến đón mẹ về, nhưng đến chiều cùng ngày, người con dâu lại sai người chở bà Phiếu xuống bỏ ở nhà bà Nguyễn Thị Tâm (84 tuổi, thôn Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn, Bình Định) là chị gái của bà Phiếu. Từ đó, bà Phiếu được con của bà Tâm cưu mang.
Trung Quốc luật hóa bổn phận chăm sóc cha mẹ
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, hồi tháng 7/2013, Trung Quốc đã luật hóa bổn phận chăm sóc cha mẹ già đối với con cái khi công bố một luật mới yêu cầu con cái phải đến thăm và chăm sóc bố mẹ già của mình. Luật này là phiên bản mới của Luật Bảo vệ các quyền và lợi ích của người cao tuổi (đã được thông qua vào tháng 12/2012).
Theo luật mới, các thành viên trong gia đình phải đến thăm bố mẹ già thường xuyên hơn nữa và nghiêm cấm bất kỳ hình thức bạo lực gia đình nào đối với người cao tuổi, như dùng ngôn ngữ xúc phạm hoặc phân biệt đối xử, tra tấn về mặt thể xác, bỏ rơi. Nếu các con không tuân theo điều khoản này, cha mẹ có thể nộp đơn xin hòa giải, hoặc kiện ra tòa.
Trước đó, Trung Quốc đã ban hành quy định Nhị thập tứ hiếu thời hiện đại (24 điều hiếu con cái phải làm) nhằm khuyến khích con cái hiếu thảo với cha mẹ.
Trung Quốc vốn là một quốc gia coi trọng chữ hiếu, thậm chí xem chữ hiếu là một trong những giá trị căn bản nhất của con người. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, áp lực kinh tế… khiến nhiều người không đủ thời gian, không đủ điều kiện và bỏ quên trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ của mình.
Một cuộc khảo sát do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho thấy khoảng 11,9% những đứa con trưởng thành đã không đến thăm bố mẹ họ lần nào trong năm và 33,4% chỉ thăm một lần mỗi năm.
Không chỉ vậy, rất nhiều trường hợp con cái bỏ rơi hay bạo hành cha mẹ già cũng được phát hiện và làm rúng động dư luận. Hồi tháng 2/2013, một cặp vợ chồng già đã tự tử ở Bắc Kinh sau khi bị con trai buộc phải sống trong một căn lều nhỏ bên ngoài ngôi nhà của mình và chỉ cung cấp cho bố mẹ rất ít thức ăn.
Năm 2012, vì đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc bố, 6 người con của ông cụ Hà Đại Hưng (84 tuổi, Thôn Xã Khu, Tẩm Thủy, Trung Quốc) đã để bố phải nằm co ro ngoài hành lang suốt 4 ngày 3 đêm trong ngày đầu năm mới không ngó ngàng tới. Ông cụ da tái nhợt vì rét, tay run rẩy vì gió lạnh. May mắn có những người hàng xóm tốt bụng mang lương thực, chăn ấm cho ông cụ dùng tạm trong những ngày tết lạnh lẽo. Sau nhiều ngay phải nằm ngoài trời rét, cụ Hà đã phải nhập viện vì bị cảm nặng. Trưởng thôn Xã Khu cho biết, 6 đứa con của cụ Hà đã thành lập hiệp ước thay nhau trông nom ông cụ định kỳ từ năm 2008. Nhưng cả 6 đứa con của cụ lại thường xuyên chối đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cụ cho người khác. Những người con bất hiếu của cụ Hà sau đó đã bị trưởng thôn và những người hàng xóm khởi kiện vì đã vứt bỏ người cha già yếu của mình không ngó ngàng tới.
Mẹ già 100 tuổi bị con trai "nhốt" cùng lợn suốt 2 năm
Chấn động nhất là vụ một người nông dân ở Giang Tô nhốt mẹ già 100 tuổi sống cùng với lợn suốt 2 năm. Đài truyền hình địa phương đã phát sóng bản tin cho biết người này đã hốt mẹ đẻ 100 tuổi của mình 2 năm trong một căn lều chật hẹp cùng với một con lợn nái 2 tạ.
Vụ việc đã gây chấn động dư luận và nhiều người cho đây là một ví dụ điển hình của tình trạng những người cao tuổi bị con cái ngược đãi đang ngày càng gia tăng tại quốc gia này.