Seatimes – Chỉ còn 1 tháng nữa là tết âm lịch đã cận kề. Việc đốt pháo lại là nỗi lo lắng của các phụ huynh khi Các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ 15-20 tuổi bị tai nạn do pháo nổ, hầu hết bỏng độ 3-4 ở vùng đầu, mặt, cổ, thân. Có những em bị nặng phải thở máy.
Ngày 2/1/2023, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết trong ngày tiếp nhận hai trường hợp bỏng do pháo. Trong đó, một thiếu niên 16 tuổi bỏng 50% cơ thể, tình trạng rất nặng, thở qua ống nội khí quản. Bệnh nhân còn lại, nam, 17 tuổi, bỏng 15% cơ thể, nặng nhất là ở vùng mặt, cổ, ngực, hai tay, được truyền dịch và theo dõi tích cực.
Hai ngày trước đó, một thiếu niên 15 tuổi, ở Ninh Bình, nhập viện với tổn thương 30% diện tích cơ thể, bỏng độ 2-3, nặng nhất vùng mặt. Người nhà cho biết em tự chế pháo, không may phát nổ, lửa bốc lên cháy quần áo, bỏng nặng cơ thể, được y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển tuyến lên Hà Nội.
Trường hợp khác, nam, 16 tuổi, tự chế pháo tại nhà bị lửa cháy bỏng 60% cơ thể, đốt tóc, lông mi, lông mũi, bỏng cổ, thân, chi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng hô hấp, tiên lượng nặng, phải truyền dịch, thở oxy, khí dung, bù huyết tương, theo dõi nhiễm trùng.Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện 108. Ảnh: An Ngọc
Vài ngày trước, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận thiếu niên 16 tuổi ở Bắc Giang, nghịch pháo tự chế, bất ngờ pháo phát nổ làm nát bàn tay trái và chân phải. Một thiếu niên 15 tuổi, ở Nam Định, bị nát bàn tay phải, gãy đốt ngón tay, vết thương phức tạp, lộ gân cơ.
Các bác sĩ cho biết cuối năm tai nạn do pháo tăng cao, chủ yếu ở trẻ vị thành niên, từ 15 đến 20 tuổi. Nhà nước đã cấm, song trẻ lại thích tự chế pháo dẫn đến nổ, cháy. “Pháo được chế tạo khá dễ dàng, chỉ cần một video hướng dẫn và một số linh kiện là lắp ráp được. Tuy nhiên độ rủi ro rất cao, dễ phát nổ”, bác sĩ Minh nói. Thành phần của pháo là hóa chất có tính dễ bắt cháy, khó dập lửa, thường gây bỏng nặng. Một số trường hợp bị ngộ độc khí từ các chất cháy (lưu huỳnh, phot pho…), tuy nhiên xét nghiệm rất khó phát hiện.
Tổn thương do pháo nổ rất nguy hiểm, thường chấn thương phần mềm, rách da, chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân… Các chấn thương này thường rất khó làm sạch do dính dị vật khi pháo nổ, khó khăn cho quá trình điều trị. Nặng hơn, bệnh nhân có thể phải cắt phần chi thể không thể bảo tồn như bàn, ngón tay. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến tàn phế. Di chứng từ những vết thương do pháo nổ cũng rất nặng nề, như sẹo bỏng co kéo, mất tay chân…
Bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Trẻ bị bỏng do đốt pháo, biện pháp sơ cấp cứu là loại bỏ tác nhân gây bỏng, hạ nhiệt vết thương bằng nước sạch, băng bó…, đồng thời kiểm tra nạn nhân có bị ngộ độc khí cháy. Nếu chi thể bị đứt lìa, nên rửa phần đứt bằng nước muối sinh lý, đặt vào túi sạch rồi bỏ vào túi có đá lạnh (không cho trực tiếp vào đá lạnh) và đưa vào viện cùng nạn nhân.
Trẻ bị bỏng do pháo cần sớm đưa đến bệnh viện, không tự điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, khiến vết thương nặng nề, không thể hồi phục.
Hoàng Hạnh