"Bạn chỉ có thể cảm nhận thấy vẻ đẹp đích thực của một người khi họ đã già"
Với nghị quyết 45/106 được ký vào ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi (International Day of Older Persons).
Đã 24 năm trôi qua, hầu hết trong mỗi năm kỷ niệm, Liên Hợp Quốc luôn lựa chọn một chủ đề nhiều ý nghĩa: năm 2001 – "Một xã hội cho mọi lứa tuổi", năm 2004: "Những người cao tuổi trong một xã hội liên thế hệ" hay năm 2010: "Người cao tuổi và việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”… Năm nay, 2014, Liên Hợp Quốc kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi với chủ đề: "Đừng lãng quên bất kỳ ai: Hãy thúc đẩy một xã hội cho tất cả mọi người".
Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày quốc tế người cao tuổi năm 2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Người cao tuổi có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, tình hình phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại. Chúng ta phải vượt qua được thách thức này nhằm đảm bảo những người già cả có cuộc sống an toàn và lành mạnh trong một xã hội phát triển”.
Trong những thập kỷ gần đây, cơ cấu dân số thế giới đã thay đổi đáng kể. Từ năm 1950 đến năm 2010, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã tăng từ 46 lên 68 năm và dự kiến con số này sẽ tăng lên 81 vào cuối thế kỷ này.
Đặc biệt, trong số 66 triệu người cao tuổi (> 60 tuổi) trên toàn thế giới, người cao tuổi là nữ giới nhiều hơn nam. Trong số những người trên 80 tuổi, tổng số phụ nữ gần gấp đôi nam giới và ở nhóm những người hơn trăm tuổi, số người cao tuổi là nữ giới gấp bốn đến năm lần so với nam giới.
Số người cao tuổi là nữ giới cao hơn nam giới
Hiện nay, trên thế giới có gần 700 triệu người trên 60 tuổi và dự đoán con số này vào năm 2050 sẽ là 2 tỷ người, chiếm hơn 20% dân số thế giới. Sự gia tăng số lượng người cao tuổi nhiều và nhanh nhất là ở các nước đang phát triển. Trong đó, châu Á là khu vực có số lượng người cao tuổi đạt kỷ lục.
Cụ bà Misao Okawa, hiện giữ kỉ lục người sống lâu nhất thế giới vừa mới kỉ niệm sinh nhật lần thứ 116 vào ngày 5/3 vừa qua. Bà hiện sống tại Osaka, Nhật Bản. Cụ Misao tin rằng chính việc ăn nhiều sushi, ngủ 8 tiếng 1 ngày và thư giãn chính là nguyên nhân giúp cụ kéo dài tuổi thọ như vậy.
Cụ bà Misao Okawa được tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là người già nhất thế giới. Ảnh: AP
Dù chưa được tổ chức Guinness cấp giấy chứng nhận nhưng ở Ấn Độ có cụ ông Premsai Patel, một người bản xứ ở quận Korba thuộc bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ có lẽ vẫn là người cao tuổi nhất trên thế giới. Truyền thông nước này đưa tin cụ ông này sinh ngày 11/5/1896. Chứng minh thư của nhà giáo đã nghỉ hưu này cũng ghi rõ ngày sinh như trên. Như vậy, ông Patel hiện nay được hơn 117 tuổi, vượt mức tuổi thọ mà y học từng khẳng định con người không thể vượt qua.
Đáng chú ý, mới đây, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập lần 2 cho cụ Nguyễn Thị Trù (sinh ngày 4/5/1893, 121 tuổi) hiện sống ở xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM, là người cao tuổi nhất Việt Nam. Trong thời gian tới, tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ đề xuất với tổ chức Kỷ lục châu Á và tổ chức Kỷ lục thế giới (Guinness) xác lập kỷ lục cho cụ Trù là người phụ nữ sống lâu nhất thế giới.
Cụ Nguyễn Thị Trù cùng con trai út. Ảnh: VIETKING
Như thông điệp năm nay của Liên Hợp Quốc nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi – "Đừng lãng quên bất kỳ ai", những thế hệ đi trước, những người cao tuổi trên toàn thế giới xứng đáng được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và nhận được sự trợ giúp từ cả cộng đồng vì họ đã cống hiến cả cuộc đời cho con, cháu, cho gia đình và xã hội.