Theo thực trạng hiện nay nhiều người có thu nhập cao luôn tìm cách để sang nước ngoài khám và chữa bệnh trong khi chất lượng chuyên môn các bác sĩ ở Việt Nam thì tương đương, chi phí dịch vụ thấp do đó Bộ Y tế đã xây dựng đề án tìm cách thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao về Việt Nam khám chữa bệnh.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 20/12 tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” tại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và Quốc tế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế)
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, các y bác sĩ của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao, không thua kém các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán, ứng dụng Laser CO2 trong phẫu thuật nội soi… Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.
Ví dụ điển hình vào ngày 28/11 bác T. Đ. C. (65 tuổi, Đồng Hới – Quảng Bình) các y bác sỹ tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Huế triển khai thành công kỹ thuật ứng dụng Laser CO2 trong phẫu thuật nội soi ung thư hạ họng – thanh quản giai đoạn sớm.
Năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh thực hiện tháng 8/2019 tại 329 bệnh viện, tổng số 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhìn nhận chất lượng dịch vụ hiện nay chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị. Ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỷ USD/năm. Điều này có thể dẫn tới việc “chảy máu” ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền hà…
Nhiều người đã có thể sử dụng dịch vụ răng miệng chất lượng cao tại Việt Nam.
Đối tượng thụ hưởng của đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” gồm người Việt Nam có thu nhập cao, có điều kiện chi trả tốt; người Việt Nam có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao; đồng bào Việt kiều về thăm quê hương; người nước ngoài đang làm việc, học tập tại Việt Nam và người nước ngoài có nhu cầu sang Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và KCB.