PGS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản |
PGS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những nguyên nhân mấu chốt gây ra trượt lở rộng khắp, tập trung trong thời gian rất ngắn ở khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ.
PGS Trần Tân Văn phân tích, nguyên nhân kích hoạt chính gây ra trượt lở ở miền Trung là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài, tất yếu dẫn đến trượt lở và lũ quét.
Lý giải vì sao trong các năm trước cũng có nhiều trận mưa lớn nhưng không xảy ra trượt lở nghiêm trọng như năm nay, PGS Trần Tân Văn cho biết, mưa còn đi kèm với các hiện tượng thời tiết đặc trưng của các năm. Ví dụ, năm 2019, hiện tượng thời tiết El Nino dẫn đến khô hạn kéo dài tại miền Trung. El Nino cũng khiến cho cấu trúc đất đá thay đổi, độ rỗng trong lòng đất lớn hơn. Năm nay lại xuất hiện hiện tượng La Nina, mưa bão liên tục đổ vào miền Trung. Những trận mưa lịch sử trút xuống liên tục. “Miền Trung như một túi nước, khu vực miền núi lượng nước cực lớn ứ lại trong kết cấu rỗng của lòng đất. Chỉ cần có trận mưa lớn lập tức xảy ra sạt lở” – PGS Trần Tân Văn nhận định.
Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc…, cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.
Đã có bản đồ hiện trạng trượt lở
Tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét… đã được Chính phủ quan tâm tìm giải pháp xử lý từ nhiều năm nay. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai một số Đề án về trượt lở (do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì) và lũ quét (do Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu chủ trì).
PGS Trần Tân Văn cho biết, Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam” đã được phê duyệt từ năm 2012 để triển khai thực hiện ở các khu vực miền núi của 37 tỉnh, chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Đến nay, Đề án đã thực hiện điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở ở 25/37 tỉnh (cho đến Quảng Ngãi), thành lập các bản đồ trung gian và bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15/37 tỉnh, tất cả đều ở tỷ lệ 1:50.000.
Trên các bản đồ này khoanh định các diện tích có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; phân loại các vị trí trượt lở theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ, và theo các kiểu trượt như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng…
Sơ đồ phân bố các vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế.. |
Ngoài ra, Đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao, đến nay đã thực hiện được 64 xã. Các kết quả điều tra, đánh giá của Đề án đã và đang được chuyển giao cho các địa phương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai. Cũng theo kế hoạch, Đề án sẽ còn phải triển khai thực hiện một số hạng mục khác, như lập bản đồ độ nguy hiểm trượt lở, thiết lập thí điểm một số trạm quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm trượt lở…
PGS Trần Tân Văn khẳng định, từ các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở, trong ngắn hạn, chúng ta có thể biết trước được ở cấp huyện, xã những diện tích có nguy cơ trượt lở cao hay những diện tích tương đối an toàn hơn mỗi khi mưa bão lớn, kéo dài, để trên cơ sở đó địa phương có thể thực hiện diễn tập hoặc sơ tán, di dời, thậm chí cứu hộ, cứu nạn khi trượt lở xảy ra.
Còn trong dài hạn, bản đồ được tích hợp để điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tránh các hoạt động phát triển ở những khu vực có nguy cơ cao.
Cần sử dụng hiệu quả hơn
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã chuyển giao kết quả điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở cho các địa phương miền Trung, lần gần đây nhất là khoảng tháng 6/2020. Các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị hay Quảng Nam, Đà Nẵng thì sớm hơn, khoảng những năm 2017, 2018 và 2019.
Lý giải vì sao đã có cảnh báo nhưng hậu quả thiên tai vẫn rất nặng nề, PGS Trần Tân Văn cho rằng: “Có thể là công tác chuyển giao kết quả của chúng ta còn chậm, hoặc kết quả còn tương đối khó hiểu đối với người sử dụng, hoặc chưa chuyển giao được một cách rộng khắp đến mọi đối tượng là cộng đồng địa phương ở các cấp huyện, xã hoặc làng bản. Ngược lại, về phía người được chuyển giao có thể thấy khó tiếp thu, hoặc chủ quan vì những năm trước trượt lở ít xảy ra hơn. Cũng có thể là chúng ta đã hết sức cảnh giác, hết sức quan tâm nhưng đợt mưa lũ lịch sử này thực sự quá lớn, quá khốc liệt, vượt quá mọi khả năng chống chịu, ứng phó của chúng ta”.
PGS Trần Tân Văn đề xuất, Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam” cần bổ sung danh mục các xã trọng điểm cần điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 và cho phép triển khai thực hiện sớm.
Đồng thời, điều tra cập nhật và điều chỉnh các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở hàng năm (sau mỗi mùa mưa bão) và định kỳ sau mỗi 3 đến 5 năm (vì hiện trạng trượt lở ở các địa phương sau một thời gian khoảng 3 đến 5 năm cơ bản là sẽ thay đổi).
Đặc biệt, cần thay đổi, điều chỉnh lại công tác chuyển giao kết quả cho các địa phương, bổ sung thêm thành phần được chuyển giao là các huyện, xã có nguy cơ trượt lở cao. “Cần đảm bảo rằng chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương hiểu được vai trò, tác dụng của các bộ bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở và sử dụng được chúng trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Quan trọng nữa là phải thiết lập cơ chế liên lạc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (hoặc đơn vị thực hiện Đề án là Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) với các địa phương để đảm bảo rằng các kết quả của Đề án được chuyển giao và được sử dụng kịp thời, hiệu quả” – PGS Trần Tân Văn nhấn mạnh.
Vấn đề dự báo cũng cần được quan tâm hơn nữa, cần đan dày thêm mạng lưới dự báo khí tượng, thủy văn cấp địa phương (có thể bằng các công nghệ, phương pháp đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp…).
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường): Do đặc điểm địa lý, miền Trung là “rốn lũ” của nước ta. Cụ thể, miền Trung nước ta là nơi “giao tranh” của các hình thế thời tiết cực đoan (mưa lớn) trong các tháng 8,9,10,11 như không khí lạnh tương tác với địa hình, bão độ bộ/ảnh hưởng, dải hội tụ nhiệt đới tương tác với địa hình và nguy cơ tăng lên gấp bội khi có sự kết hợp của nhiều hình thế cùng một lúc như không khí lạnh+bão-áp thấp nhiệt đới+dải hội tụ nhiệt đới+ vùng áp thấp cùng tương tác với địa hình. Do miền Trung nước ta có địa hình hẹp và độ dốc cao, được phân chia bởi dãy Trường Sơn nên đặc điểm của sông ngòi ở đây rất dốc và ngắn, khi mưa lớn xảy ra thì khả năng sinh lũ lụt, lũ ống và lũ quét rất rất nhanh, vì thế nên thường gây thiệt hại vô thảm khốc về người và tài sản. Do vậy, trong tháng 10, đợt mưa lũ lịch sử kéo dài đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng xả lũ của thủy điện là nguyên nhân gây lũ chồng lũ, làm gia tăng ngập lụt. Tuy nhiên, các phân tích khoa học, cho thấy các đập thủy điện có thể giúp giảm nhẹ lũ lụt. Mức độ giảm nhẹ lũ lụt của từng hồ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành. Tất nhiên các hồ chứa chỉ có khả năng giảm lũ, lụt nhưng không có khả năng loại trừ hoàn toàn lũ, lụt. Nếu mưa lớn, hồ chứa không đủ sức điều tiết thì lũ lụt vẫn xảy ra. Các đập thủy điện có thể gây tác động đến môi trường, tuy nhiên, không làm tăng rủi ro lũ lụt. PGS-TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia: Thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Các lưu vực sông ở khu vực Miền Trung có đặc điểm đặc trưng là chiều dài sông ngắn, vùng thượng lưu địa hình có độ dốc lớn, trung lưu gần như không thể hiện rõ, vùng đồng bằng thì nhỏ hẹp, ven biển có các doi cát chạy dài song song với bờ biển. Do đó, khi mưa lớn, dòng chảy trên các sông tập trung nhanh, vùng đồng bằng nhỏ hẹp không chứa được lượng nước về, kết hợp với các doi cát nằm song song với biển làm hạn chế thoát nước, gây ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng hạ lưu các sông. Năm nay, cường độ mưa rất mạnh và thời gian kéo dài, nguyên nhân là do khu vực chịu ảnh hưởng của tổ hợp các điều kiện đại dương và khí quyển khu vực Châu Á: Thứ nhất, dưới tác động của hiện tượng La Nina bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2020, dải hội tụ nhiệt đới duy trì liên tục qua khu vực Trung Bộ và Biển Đông, trên đó liên tiếp hình thành các cơn bão và áp thấp nhiệt đới và di chuyển về phía khu vực Trung Bộ. Thứ hai, không khí lạnh năm nay tràn xuống nước ta sớm hơn trung bình, gió đông bắc trên khu vực bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ duy trì lâu kết hợp với địa hình chắn gió của dải Trường Sơn chạy dọc theo khu vực cho nên trong tháng 10, khu vực Trung Bộ cũng đã chịu ảnh hưởng của 03 đợt mưa lớn liên tiếp với tổng lượng mưa các đợt từ 1.000 đến 2.500mm, có nơi xấp xỉ 3.000mm, cao hơn gấp 3 đến 5,5 lần so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lượng mưa ngày lớn nhất một số nơi trên 500mm. Thứ ba, dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua thấy rõ xu hướng gia tăng của những cơn bão lớn, mưa lớn và lũ lớn kèm theo sạt lở đất, lũ quét ở Việt Nam cũng nhiều nơi trên thế giới. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, trong tương lai, các thiên tai này ngày càng cực đoan hơn do tác động của biến đổi khí hậu. |
Thu Cúc – Thùy Chi