Tuy nhiên, giống như nhiều sự kiện thể thao quan trọng được dời từ năm 2020 sang năm 2021, Thế vận hội Tokyo vẫn phải được tổ chức để duy trì sân chơi đỉnh cao cho các VĐV trên toàn thế giới, và cũng để cho những nỗ lực tập luyện và chờ đợi của họ trong hơn một năm qua không bị uổng phí vô ích.
Không nằm ngoài ý nghĩa ấy, thể thao Việt Nam cũng đến với Thế vận hội bằng tinh thần như vậy. Với 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam không đặt ra chỉ tiêu phải có một HCV như Olympic Rio 2016 nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có hy vọng.
Trong ngày 23/7, 2 cung thủ Phi Vũ và Ánh Nguyệt đã ra quân thi đấu cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng kết quả lại không thật sự thành công, khi cả 2 đều bị loại ở nội dung nam nữ và chỉ còn hy vọng ở nội dung cá nhân.
Tuy nhiên, hy vọng thật sự của thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020 không phải ở bắn cung mà là nội dung cử tạ của VĐV Hoàng Thị Duyên, và còn có một số nội dung khác nữa.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều, điển hình là việc một số tuyển thủ điền kinh đến nay vẫn chưa được bố trí tập luyện tại nơi đúng chuẩn, nhưng đây cũng là khó khăn chung của nước chủ nhà Thế vận hội năm 2020.
Vì thế, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đã động viên các HLV và VĐV cùng cố gắng vượt qua khó khăn để chiến đấu vì màu cờ sắc áo quốc gia.
Ngay việc đoàn thể thao Việt Nam tham dự diễu hành trong buổi lễ khai mạc vào tối ngày 23/7 cũng là một sự vượt khó khác, khi ban đầu nhiều VĐV bày tỏ nguyện vọng xin không diễu hành để ở lại Làng VĐV nhằm giữ sức cho những ngày thi đấu tiếp theo, và quan trọng hơn cả là nỗi lo dịch bệnh khi tập trung đông người, vì đến nay Thế vận hội Tokyo đã ghi nhận xấp xỉ 100 ca dương tính với SARS-nCoV.
Thế nhưng, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đã động viên các VĐV cố gắng tham dự vì tinh thần Olympic, vì việc có mặt ở ngày hội lớn nhất của thể thao thế giới đã là một sự nỗ lực rất lớn của tất cả và chúng ta nên trân trọng công sức duy trì Thế vận hội của nước chủ nhà.
Xin kết lại bài viết này bằng phát biểu của ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT, lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam: “Việc Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Olympic và đón tiếp, phục vụ các đoàn một cách chu đáo đã là sự cố gắng, hy sinh an toàn của chính đất nước mình, để mở cửa, tổ chức Thế vận hội.
Như thế là đất nước mặt trời mọc đã chấp nhận rủi ro về phía mình và các nước cần hợp tác chung tay để Thế vận hội được tổ chức thành công. Chúng ta cũng cần chia sẻ với chủ nhà, thể hiện được tinh thần cao thượng của thể thao.
Đây là lúc không nên trách móc, chê bai mà hãy vui vẻ cùng nhau, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn từng ngày, từng giờ để vượt qua đại dịch”.
Đỗ Đỗ/thethaohcm