Sức hút truyền thông của Công Phượng và Bùi Tiến Dũng thì không cần phải bàn, vì kể từ khi bộ đôi này gia nhập CLB TP.HCM, đội bóng Sài thành đã nhận được sự chú ý rất lớn của báo chí cũng như dư luận, và với những màn toả sáng vừa nêu ở trên, CLB TP.HCM coi như đã thực hiện một mũi tên trúng 2 đích với cả Công Phượng và Bùi Tiến Dũng.
Là một cầu thủ chuyên nghiệp thì trước tiên phải có đóng góp bằng chuyên môn cho CLB, và nếu có thêm sức hút từ giá trị thương mại thì càng tốt, và với Công Phượng và Bùi Tiến Dũng, CLB TP.HCM cho thấy khoản đầu tư mà họ dành cho 2 cầu thủ này đã đáng giá đến từng xu.
Mùa giải 2020 vẫn còn chưa đi được 1/3 chặng đường và nếu Công Phượng cùng Bùi Tiến Dũng tiếp tục chơi tốt, mà khả năng này là rất cao, vì dưới bàn tay dẫn dắt của HLV giàu kinh nghiệm và cũng rất đẳng cấp là ông Chung Hae Seong, 2 tuyển thủ của Việt Nam đã có sự lột xác gần như hoàn toàn về phong độ cũng như tư duy chơi bóng.
Trong khi CLB TP.HCM đang cho thấy những tính toán chuẩn xác về chuyên môn và thương mại như vậy thì CLB Hà Nội lại gây bất ngờ khi công bố hợp đồng với Tấn Trường, thủ môn mới tuyên bố giải nghệ cách đây chưa lâu và trong quá khứ từng có nhiều trận đấu để lại điều tiếng rất lớn vì những bàn thua khó hiểu.
Năm ngoái, CLB Hà Nội đã gây ra tranh cãi vì chiêu mộ Bùi Tiến Dũng nhưng không tạo điều kiện cho cầu thủ này ra sân thường xuyên, từ đó dẫn tới việc khi đội bóng Thủ đô cần tới sự phục vụ của anh thì Bùi Tiến Dũng lại mắc lỗi do thiếu cảm giác thi đấu, và sau khi mùa bóng 2019 kết thúc thì 2 bên quyết định đường ai nấy đi.
Có thể nói 1 năm khoác áo CLB Hà Nội với Bùi Tiến Dũng là quãng thời gian đáng quên, vì những nốt trầm trong sự nghiệp non trẻ của anh đều gắn với màu áo đội bóng Thủ đô, và chuỗi trận trồi sụt đó còn kéo dài tới cả ĐTQG, khi Bùi Tiến Dũng không còn là chính mình ở cả SEA Games 30 cũng như giải U23 châu Á năm 2020.
Nói cách khác, những gì Bùi Tiến Dũng gây dựng được trước khi gia nhập CLB Hà Nội đã gần như tan biến hoàn toàn sau 1 năm anh chơi bóng ở đây, và nguyên nhân không hoàn toàn từ phía Bùi Tiến Dũng, vì chẳng cầu thủ nào có thể duy trì phong độ đỉnh cao nếu như không được thi đấu trong một thời gian dài.
Vẫn biết thủ môn số một của CLB Hà Nội là Văn Công thi đấu cực kỳ ổn định nên Bùi Tiến Dũng không có cơ hội vào sân, song công bằng mà nói, nếu CLB Hà Nội thật sự muốn bồi dưỡng và phát triển tài năng của Bùi Tiến Dũng thì chắc chắn họ sẽ tìm ra cách để tạo cơ hội cho anh, bởi chẳng phải những ngôi sao của CLB Hà Nội hiện tại như Quang Hải, Hùng Dũng, Duy Mạnh hay Đình Trọng cũng đều được cho thử lửa từ từ rồi mới thật sự trưởng thành đấy thôi?
Và việc CLB Hà Nội không thật sự tạo điều kiện cho Bùi Tiến Dũng đã khiến chính họ phải trả giá với thất bại rất đáng tiếc ở AFC Cup 2019, khi Văn Công bất ngờ chấn thương, còn Bùi Tiến Dũng thì không thể chơi tốt trong vai trò đóng thế do thiếu cảm giác thi đấu.
Chuyển sang CLB TP.HCM, Bùi Tiến Dũng cũng vẫn mắc lỗi, nhưng khác với CLB Hà Nội, Bùi Tiến Dũng vẫn nhận được sự tin tưởng của HLV Chung Hae Seong, và điều quan trọng nhất là ông thầy Hàn Quốc đã sử dụng Tiến Dũng một cách cực kỳ hợp lý và tinh tế, như việc để anh vào thay người và toả sáng ở loạt sút 11m tại Cúp QG – Bamboo Airways 2020 vào cuối tuần vừa qua.
Chắc chắn sự việc này sẽ củng cố thêm sự tự tin của Bùi Tiến Dũng trong hành trình tìm lại bản thân, và một khi Bùi Tiến Dũng trở lại là chính mình thì không chỉ bản thân anh được lợi mà CLB TP.HCM, hay xa hơn là ĐT Việt Nam, cũng sẽ được nhờ, vì Bùi Tiến Dũng còn rất trẻ và vẫn còn cả một sự nghiệp ở phía trước.
Nói thế để thấy cùng một cầu thủ nhưng quá trình sử dụng khác nhau sẽ đem đến những kết quả khác nhau, và việc CLB TP.HCM lọt vào tứ kết Cúp QG – Bamboo Airways 2020 nhờ sự toả sáng của Bùi Tiến Dũng, trong khi CLB Hà Nội phải chiêu mộ một thủ môn đã ngoài 30 tuổi như Tấn Trường để thay thế vị trí của chính Bùi Tiến Dũng năm ngoái là thông điệp có rất nhiều ý nghĩa.
Theo Đỗ Đỗ/thethaohcm