Bằng việc mua lại 25% cổ phần từ Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn sở hữu 55% cổ phần tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo thống kê năm 2014, cảng hàng không Cam Ranh đón hơn 2,1 triệu khách/năm. Trong khi, cảng này có công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm.
Trước tình trạng quá tải của cảng hàng không Cam Ranh, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa theo hình thức BOT, đáp ứng nhu cầu khai thác nhà ga hành khách quốc tế đến năm 2025.
Năm 2015, đã có rất nhiều nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia đầu tư dự án xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh.
Có thể kể đến như, trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là các nhà đầu tư: VietJet, Công ty cổ phần Logistic Hàng không (ALS), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Lĩnh vực bất động sản là Phú Long, Golf Long Thành; dịch vụ là Liên Thái Bình Dương (IPP) của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn; xây dựng có: Tập đoàn Đức Bình; Công ty Yên Khánh, Việt Xuân Mới, Đại Dũng…
Dự án thuộc hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP), thế nhưng ACV đã chọn hình thức góp vốn đầu tư và khai thác các nhà ga.
Theo đó, ACV sẽ huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư nhà ga này có thể theo hình thức BOT, hoặc thành lập công ty cổ phần. Nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp trong nhà ga một cách công bằng, bình đẳng, nhà đầu tư, cổ đông là hãng hàng không sẽ không được nắm giữ quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập (tối thiểu 3 cổ đông, bao gồm cả ACV) không được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập.
Tháng 2/2016, Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh chính thức ra đời có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, với sự góp mặt của 6 cổ đông. Trong đó, ACV nắm 10% tương đương 60 tỷ đồng; Công ty Liên Thái Bình Dương 30%; Việt Xuân Mới và Vietjet mỗi đơn vị nắm 10%; Nasco góp 15% và Công ty Yên Khánh nắm 25%.
Như vậy các cổ đông sáng lập đều không nắm trên 30% cổ phần theo phương án đã được đề ra từ đầu.
Thế nhưng, chỉ 5 tháng sau (tháng 7/2016) Công ty Yên Khánh của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ đã chuyển nhượng 25% cổ phần cho cổ đông Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Jonathan Hạnh Nguyễn.
Việc chuyển nhượng này không những trái với phương án đề ra ban đầu mà còn giúp Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Jonathan Hạnh Nguyễn nắm 55% cổ phần tại Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh. Với tỷ lệ sở hữu này, IPP nắm quyền chi phối dù chưa hoàn toàn.
Việc chuyển nhượng này không những trái với phương án đề ra ban đầu mà còn giúp Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Jonathan Hạnh Nguyễn nắm 55% cổ phần tại Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh. Với tỷ lệ sở hữu này, IPP nắm quyền chi phối dù chưa hoàn toàn.
Sau khi Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ bán cổ phần cho IPP, một công ty khác cũng thuộc sở hữu của doanh nhân này là Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu gói thầu BP04 Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn, thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, trị giá hơn 488 tỷ đồng do Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh ký Hợp đồng số 02/2017-TTHĐ-CRTC ngày 03/4/2017 với Liên danh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P – Cienco 1.
Trong đó, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P làm đại diện liên danh, thực hiện khối lượng công việc trị giá 146,497 tỷ đồng, chiếm 30%; Cienco 1 thực hiện khối lượng công việc trị giá 341,825 tỷ đồng, chiếm 70%. Thế nhưng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P của Đinh Ngọc Hệ lại chuyển nhượng lại toàn bộ khối lượng công việc cho Cienco 1 để hưởng chênh lệch.
Đến năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã có kết luận thanh tra số 5044 về dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh và dự án nhà để xe ga quốc nội CHKQT Tân Sơn Nhất.
Trong kết luận này, đã vạch ra nhiều sai phạm từ việc đầu tư đến quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh.
PV
Theo TCĐNA