Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với khối nước tham gia CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018. Trong năm 2019 – năm đầu tiên thực hiện CPTPP – kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, tăng 1%.
Kết quả tính toán các chỉ số thương mại của Việt Nam cho thấy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, hàng mây tre, cà phê, quần áo và may mặc. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Mức độ tương đồng xuất khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay.
Đồng ý kiến, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2019 tăng 27%; xuất khẩu sang Mexico tăng 29,5%. Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định.
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp.
Tận dụng hiệu quả các FTA để gia tăng xuất khẩu.
Trong đó, CPTPP được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể xuất khẩu hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản… Không chỉ mang lại những kết quả cao cho XK, nhập khẩu cũng được đánh giá là sẽ có hiệu quả hơn. “Khi CPTPP và EVFTA được thực thi, khả năng nhập khẩu sẽ tăng lên và nhập siêu có thể quay trở lại, nhưng là nhập siêu tốt. Bởi ta sẽ nhập được công nghệ hiện đại với giá cả phải chăng về để tăng năng lực nền kinh tế vào những năm sau” – ông Phạm Tất Thắng cho biết.
Đánh giá về hiệu quả của hiệp định này trong thời gian tới, ông Thắng cho biết, CPTPP giúp Việt Nam có thêm ưu đãi thuế ở một số thị trường rộng lớn như Canada, Mexico… DN được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý điều này vì đây là những thị trường tiềm năng, có khả năng xuất khẩu lớn. Nhưng phải lưu ý, chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó.
Do vậy bên cạnh việc DN nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu vào các nước CPTPP. Ngoài ra, CPTPP có hiệu lực, hàng rào phi thuế quan cắt bỏ thì hàng rào kỹ thuật tăng lên, khiến chúng ta không còn dựa được nhiều vào các lợi thế từ nhân công giá rẻ mà phải cạnh tranh bằng chất lượng.
Điều này thúc ép ta thực hiện nghiêm túc hơn chủ trương của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế kinh tế để mang lại lợi ích nhiều hơn cho người sản xuất. Các DN cũng cần nỗ lực hơn để chủ động nguồn nguyên liệu. Điều này là khó, nhưng khi làm được, DN sẽ còn có cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho mình, không chỉ trong phạm vi các quốc gia CPTPP.
Bảo Sơn