Hình minh họa tỷ lệ tự tử trên toàn thế giới của WHO
Đây là báo cáo đầu tiên của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về vấn đề này. Báo cáo đã phân tích dữ liệu từ các vụ tự sát ở 172 quốc gia và phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành.
Theo nghiên cứu của WHO, nguyên nhân tử vong do tự tử mỗi năm còn nhiều hơn là các cuộc xung đột và thảm họa tự nhiên.
Bản báo cáo này được đưa ra chỉ 3 tuần sau vụ tự tử của danh hài Mỹ Robin Williams. WHO cảnh báo việc báo chí đưa tin chi tiết về cái chết của ông Williamns có thể làm tăng nguy cơ các vụ tự sát tương tự.
Cũng theo WHO, chỉ có 28 quốc gia có chiến lược ngăn chặn các vụ tự tử và nam giới có xu hướng tự tử nhiều hơn nữ giới. Tỉ lệ tự tử tại châu Á chiếm cao nhất (theo thống kê năm 2012, Ấn Độ có số vụ tự tử nhiều nhất, tiếp sau đó là Trung Quốc và Hàn Quốc).
Theo thống kê, cứ 100.000 người trên thế giới thì có 11,4 người tự sát, trong đó tỷ lệ tự sát ở nam giới gấp 2 lần nữ giới và ở các nước giàu hơn, tỷ lệ tự sát ở nam giới gấp 3 lần so với nữ giới. Tính trung bình, các nước có thu nhập cao có tỷ lệ tự sát cao hơn. Tại các nước này, cứ 100.000 người thì có 12,7 người tự sát – trong khi ở các nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ này là 11,2 người/100.000 người.
Ngoài ra, tỉ lệ tự tử cao nhất trên thế giới thường rơi vào nhóm các nạn nhân có độ tuổi ngoài 70. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thứ hai gây ra cái chết ở các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-29 trên thế giới cũng là tự tử.
Giám đốc WHO về Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý Shekhar Saxena cho biết: “Gần như mọi trường hợp lựa chọn tự tử đều đã từng đi tìm sự giúp đỡ của ai đó. Có thể là một người bạn, có thể là một người thân, có thể là một hệ thống chăm sóc xã hội, có thể là một tổ chức tôn giáo. Và nhiều khi yêu cầu xin giúp đỡ của họ đã không được đáp lại một cách tích cực. Vì thế mọi người phải có trách nhiệm sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người khác”.