Phân tích dữ liệu tìm kiếm máy bay MH370. Ảnh: AP
"Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng; thận trọng trước tất cả những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt nhưng lạc quan vào các phân tích khoa học”, ông Martin Dolan, quan chức cấp cao của Cục An toàn Giao thông vận tải Australia, cơ quan chủ trì cuộc tìm kiếm cho biết.
Trong nỗ lực tìm kiếm mới nhất về dấu vết của MH370 – một trong những sự kiện bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới, những thiết bị hiện đại như máy phát sóng siêu âm, máy quay video và cảm biến nhiên liệu máy bay sẽ được đưa xuống lòng biển.
Các chuyên gia sẽ lập bản đồ ba chiều thông qua dữ liệu về hình dạng và độ cứng trong vùng địa hình dưới đáy biển do hai tàu có trang bị máy phát sóng siêu âm thu về.
Theo kế hoạch, công tác tìm kiếm được triển khai trong khu vực có diện tích 60.000 km vuông – mở rộng gấp gần 5 lần so với phạm vi tìm kiếm 1.800 km vuông về phía Tây Australia trong nhiều tháng trước. Khu vực nằm dọc theo "vòng cung thứ 7", vị trí các nhà điều tra tin rằng MH370 bị rơi do cạn kiệt nhiên liệu dựa trên các phân tích dựa trên dữ liệu trao đổi giữa máy bay và vệ tinh.
Tuy nhiên địa hình không phải là thách thức duy nhất. Thời tiết trong khu vực Ấn Độ Dương luôn thay đổi và khó dự đoán. Ngoài ra độ sâu lòng biển lên đến 6,5 km đặt ra thách thức lớn do đây là ngưỡng hoạt động tối đa các máy quét cảm biến.
Mỗi tàu tham gia tìm kiếm có khoảng 25 – 35 người, nhiều khả năng sẽ phải làm việc suốt ngày đêm. Sau 30 ngày tìm kiếm, các tàu sẽ trở lại đất liền để tiếp nhiên liệu và lấy đồ tiếp tế.
"Cách hiệu quả nhất là tiếp tục tìm kiếm”, ông Dolan nói. "Nhưng sức khỏe của đội tìm kiếm cần phải được quan tâm, chắc chắn chúng ta sẽ không đẩy họ vào hoàn cảnh quá khó khăn".
Ông Dolan nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể nhưng không thể đảm bảo những nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Chính phủ Malaysia và Australia hiện đã đóng góp khoảng 60 triệu USD để tài trợ cho việc tìm kiếm.
Chuyên gia David Gallo – người đứng đầu nhóm tìm kiếm chuyến bay 447 của Air France sau khi nó bị rơi ở Đại Tây Dương vào năm 2009 – cho biết, ngay cả khi các thùng nhiên liệu còn nguyên vẹn sau tai nạn thì dưới tác động mạnh của các dòng chảy trong khu vực, chúng sẽ bị phân tán khi nhiên liệu bị rò rỉ.
Trong khi đó, thân nhân các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh MH370 vẫn tiếp tục mong chờ tin tức từ phía cơ quan chức năng. "Chúng tôi cảm thấy bồn chồn. Thật tốt nếu biết chiếc máy bay ở đâu. Đây là điều quan trọng nhất đối với tất cả các gia đình", bà Irene Burrows, mẹ của Rodney Burrows là hành khách có mặt trên chuyến bay MH370, tin rằng chiếc máy bay sẽ được tìm thấy.