Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 – 1939)
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, có tên gọi khác là Nguyễn Trọng Văn, quê làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ngay từ nhỏ, Nguyễn Chí Diểu được giáo dục bài bản, nghiêm khắc và sớm được tiếp thu tinh thần yêu nước.
Đồng chí TS. Nguyễn Thái Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu khai mạc Hội thảo
Ngày 19 – 9 – 1925, 17 tuổi, Nguyễn Chí Diểu thi đậu vào trường Quốc học Huế – một trong những ngôi trường nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ. Tại đây, đồng chí được tiếp xúc với những người thầy tâm huyết, giàu lòng yêu nước (Thầy Võ Liêm Sơn, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khoa Tú, Cao Xuân Huy …), gặp gỡ những người bạn cùng chí hướng (Võ Nguyên Giáp), được sống trong bầu không khí đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế và đặc biệt là được tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới tiến bộ thông qua tài liệu, sách báo, được nghe các buổi diễn thuyết của các nhân sĩ yêu nước (Phan Bội Châu), Nguyễn Chí Diểu đã sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia nhiều phong trào yêu nước. Tháng 4 – 1927 đồng chí tham gia phong trào bãi khoá của sinh viên, học sinh Huế nhằm chống lại chế độ giáo dục hà khắc, phản động mà chính quyền thực dân đang áp dụng tại Việt Nam. Sau sự kiện này, Nguyễn Chí Diểu và một số học sinh Quốc Học bị đuổi học, mặc dù vậy, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh khác chống áp bức, bất công.
Trường Quốc Học Huế nơi đồng chí Nguyễn Chí Diểu học tập và tham gia hoạt động đấu tranh
Sau khi thành lập, tổ chức Tân Việt chú ý phát triển tổ chức và lực lượng ở các tỉnh miền Trung trong đó có Huế. Năm 1927, Nguyễn Chí Diểu được kết nạp vào tổ chức Tân Việt và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Nguyễn Chí Diểu sớm trưởng thành và trở thành Uỷ viên Kỳ bộ Trung Kỳ của tổ chức Tân Việt, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định rồi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ.
PGS.TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng vụ quản lý khoa học, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày đề dẫn hội thảo
Trong thời gian hoạt động ở Nam Kỳ, làm Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm – Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn Trầu” vốn giàu truyền thống yêu nước thành mảnh đất trung kiên của cách mạng.
Tháng 10 – 1930, Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt giam và đến ngày 2 – 5 – 1933, thực dân Pháp mới mở phiên toà để xét xử. Nguyễn Chí Diểu bị toà án thực dân kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Suốt gần 6 năm bị giam cầm trong địa ngục trần gian Côn Đảo, Nguyễn Chí Diểu luôn kiên định, vững vàng, quyết một lòng vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin trình bày tham luận về đồng chí Nguyễn Chí Diểu
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẻ của nhân dân ta và trào lưu dân chủ tiến bộ, chính quyền thống trị ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho hàng trăm cán bộ đảng viên cộng sản đang bị giam giữ. Nhưng để tiện việc theo dõi, thực dân Pháp không chó tất cả tù nhân trở về quê nhà, chúng chỉ định địa bàn cư trú cho tù chính trị. Đồng chí Phan Đăng Lưu quê ở Nghệ An, khi ra tù bị chính quyền bắt buộc ở Huế.
Đầu năm 1936, từ các nhà tù Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, các đồng chí đảng viên cộng sản lần lượt ra tù. Tháng 2 – 1936 đồng chí Phan Đăng Lưu được ra khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột về Huế. Một thời gia sau các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Bùi San… cũng được trả tự do và về Huế. Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Diểu cho cuộc vận động dân chủ (1936- 1939) nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng tại mảnh đất mà ông được sinh ra, lớn lên và cũng từng gắn bó, hoạt động cách mạng trong thời kỳ vận động thành lập Đảng.
Toàn cảnh hội thảo khoa học: đồng chí Nguyễn Chí Diểu với phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế và Trung Kỳ
Các bản tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ: trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng luôn nổ nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí luôn gần gũi gủi quần chúng, sâu sát với địa bàn, nhờ đó, đã tập hợp, giác ngộ các mạng và định hướng lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Nguyễn Chí Diểu là người tiên phong trong sử dụng báo chí để đấu tranh công khai với địch để đòi các quyền dân sinh, dân chủ cho quần chúng nhân dân, luôn giữ vững niềm tin, trọn đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết luận hội thảo
Ở Nguyễn Chí Diểu luôn toát lên một sức sống cách mạng, ngọn lửa yêu đời. Đồng chí là linh hồn của cao trào đấu tranh dân chủ sôi nổi ở Thừa Thiên Huế từ 1936 đến đầu năm 1938. Ra đi ở tuổi 31, khi sự nghiệp còn dang dở nhưng những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Diểu vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng quê hương, đất nước.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại quê nhà Phú Vang
Tất Thắng – Anh Tuấn