Hơn 30 năm nay, người dân nghèo ở xã Phú Đa quen gọi nơi đây là “lớp học tình thương của thầy Trai”. Thầy Nguyễn Trai ở thôn Thanh Lam (xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) lưng gù, hai chân bị teo khiến việc đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, ngày qua ngày, trong ngôi nhà nhỏ của mình, thầy vẫn tận tâm dạy dỗ cho trẻ em nghèo.
Thầy Nguyễn Trai nhận dạy kèm cho hơn chục em học sinh chuẩn bị vào lớp một.
Tàn nhưng không phế
Biến cố ập đến vào một ngày đi học về của năm lớp 9, cậu thanh niên Nguyễn Trai thấy chân tay mình yếu dần, cố sức bước đi nhưng hai đầu gối cứ chụm vào nhau. Thời gian sau, chân càng lúc càng teo nhỏ, rồi cả cơ thể không còn cử động được nữa. Hơn 2 năm chữa trị không thuyên giảm, nhìn bạn bè đồng trang lứa cắp sách đến trường, đã có lúc người thanh niên ấy tuyệt vọng muốn quyên sinh để chấm dứt quãng đường đen tối phía trước. Thế nhưng, nhờ sự động viên, thường xuyên lui tới của thầy giáo cũ nơi trường làng đã đánh thức một nghị lực sống phi thường.
Lần giường tập đi, rồi bắt đầu bước từng bước tập tễnh bằng cây nạng gỗ, tự rèn luyện rồi tự học, con đường từ bóng tối ra ánh sáng của chàng thanh niên được nhen nhóm bằng quyết tâm “tàn nhưng không phế”.
Thời điểm ấy, Phú Đa là một xã anh hùng nhưng còn rất nghèo. Trẻ con đa số mù chữ, giăng nắng dầm mưa nơi ruộng đầm. Được sự động viên của người thầy cũ và nỗi trăn trở với bao thế hệ người dân không biết đến mặt chữ, năm 1987, Nguyễn Trai mạnh dạn mở lớp xóa mù chữ đầu tiên. Bên cây đèn dầu leo lét, những người nông dân ban ngày chân lấm tay bùn, ban đêm kéo nhau đến học rất đông, trên chõng, dưới đất, rồi tràn ra cả hiên vẫn không đủ chỗ. Lớp phải xin dời sang chòi canh vườn của hàng xóm, vừa học vừa nghe muỗi bay từng đàn. Trong dòng hoài niệm ngắt quãng bởi những nhớ nhớ, quên quên, người đàn ông trung niên không giấu nổi nụ cười như trẻ lại.
Những cuốn sách giáo khoa cũ được thầy xin cho các em học sinh nghèo.
Sau 3 năm dạy xóa mù chữ cho người lớn, Nguyễn Trai bắt đầu đón những lứa học trò nhỏ hơn và tận tình dạy bảo như anh em trong nhà. Những đứa trẻ nghèo từ 4 đến 12 tuổi, thường ngày lăn lóc nắng mưa, nay được học đọc, học viết, thương mến gọi “thầy Trai”. “Được các em gọi thầy, thấy vui lắm. Cái tiếng thầy không biết từ khi mô mà lan ra cả thôn, cả xã rồi ai cũng biết đến. Thầy như ri nên suốt ngày loanh quanh với các em, thành thử có bao nhiều thời gian, tâm trí, bao nhiêu tình thương đều dành hết cho tụi nhỏ. Nhờ mấy đứa nhỏ mà có lúc thầy quên đi khiếm khuyết trên cơ thể, đỡ buồn hơn với quên luôn cái suy nghĩ dại dột thời trẻ. Chừ nghĩ lại cứ mang ơn người thầy cũ đã động viên thầy mở ra cái lớp học ni”.
Ước mơ của thầy
30 năm cõng chữ về vùng cát trắng Phú Đa với hơn 27 năm dạy lớp ghép, học sinh đủ mọi lứa tuổi từ mẫu giáo đến hết cấp một, đều đặn thứ 2 đến thứ 6, căn nhà nhỏ của thầy Trai lao xao tiếng nói cười. Căn nhà 3 gian này được một mạnh thường quân tài trợ vào năm 2005, thầy dành ra 2 phần để mở lớp. Bên trong, bàn ghế tuềnh toàng, được tận dụng lại từ đồ thải loại của trường học. Trên chiếc kệ gỗ là vài cuốn sách giáo khoa cũ, vương vương bụi phấn. Thầy đứng lom khom trên bục giảng, lọt thỏm giữa những mái đầu xanh đang ngồi nhấp nhô. Phía trước tấm bảng đen kê sẵn một cái bàn con, mỗi lần viết lên cao, thầy phải rướn người để ngồi lên trên mới với tới.
Chỉ học hết lớp 9 trường làng rồi sau đó tự bổ túc thêm, người thầy chưa từng qua một trường lớp sư phạm nào nhưng bằng tất cả tấm lòng yêu thương con trẻ vẫn cần mẫn chắp cánh cho những ước mơ bay cao. Thầy không chỉ dạy chữ, thầy còn dạy lối sống nghĩa tình, tiết kiệm, nâng niu từng trang vở. “Thầy không có con nên xem tụi nhỏ như con, thấy hắn tiến bộ thầy mừng nhất. Hồi xưa thầy hay nói với mấy đứa học trò: tụi con phải lo đi học cái đã, lặn lội ruộng đồng để sau, đứa mô mà bỏ học để đi bắt cá mò cua là thầy giận lắm, thầy từ mặt. Rứa là không có đứa mô nghỉ cả. Chừ trưởng thành, ai cũng có công ăn việc làm ổn định”.
Lớp học đặc biệt nên cách phụ huynh trả công cho thầy cũng thật đặc biệt, người mang đến cho thầy bao lúa, kẻ lại mang con vịt, bó rau, người góp công sức sửa sang lớp học sau mỗi mùa mưa lũ. 30 năm, tuyệt nhiên chưa khi nào thầy nhắc đến chuyện học phí.
Vừa rồi, thầy xin được cho các em 12 chiếc xe đạp, không giấu nỗi vui mừng, thầy kể: “Thấy mấy đứa nhỏ ngày nắng cũng như mưa lặn lội đi bộ tới lớp, đến nơi, bùn quánh vào chân, tội lắm! Nhân dịp có đoàn từ thiện về thăm nhà, thầy ngỏ ý xin cho tụi nó mấy chiếc xe đạp. Hôm nhận xe, đứa mô cũng mừng, đạp vun vút”. Khi được hỏi tại sao chân thầy đi lại khó khăn mà thầy không xin cho mình một chiếc xe lăn trước, lại đi xin xe đạp cho học trò, thầy lắc đầu, bảo giờ già rồi, có xe lăn cũng không biết đi đâu, tụi nhỏ cần xe đạp để đến trường hơn. Rồi thầy nói về ước mơ có con đường bê tông nhỏ dẫn vào nhà, để mùa đông, lũ trẻ không phải lội bùn ì oạp đến lớp.
Ngót nghét hơn 30 năm, bao nhiêu thế hệ học trò nghèo đi ra từ lớp học tình thương của người thầy khuyết tật. Thầy nói, cả đời chưa khi nào vui bằng nhìn thấy những người học trò năm xưa nay đã rửa phèn rời ruộng, thoát khỏi lũy trẻ làng để ra phố lớn lập nghiệp. Mỗi năm tết đến, tụm năm tụm bảy về thăm thầy, nhìn đứa nào đứa nấy trắng trẻo, thơm tho, thầy mừng, nhớ lại một thời khó khăn trước đây mà rơm rớm nước mắt.
“Còn một em cần thầy là thầy còn dạy”
Lớp học của thầy Trai còn đặc biệt hơn khi đó là nơi dạy dỗ những đứa trẻ bị hội chứng Down. Để các em nghe lời và chiu học, thầy phải ngọt ngào. “Ban đầu thầy dạy hơn 5 em bị bệnh Down. Lớp ghép nên có đủ cả, ngồi trong lớp mà tụi nhỏ cứ muốn làm gì là làm, rồi chọc nhau chí chóe. Thầy phải dỗ dành: Con lớn rồi, con không được chọc em, khi nào trong lớp không có thầy, con phải nhắc nhở các em giữ trật tự. Rồi cầm tay đưa từng nét bút, có khi tay thầy còn nhỏ hơn tay trò. Với các em đó thì không thể lớn tiếng được. Điểm số cho các em cũng phải nhỉnh hơn”
Chính sự gần gũi, ân cần như thế mà suốt mấy chục năm qua, người thầy nhỏ thó, khắc khổ vì chứng bệnh quái ác trong mắt học trò cứ trẻ mãi, thân thiết như người thân ruột thịt.
Dạy lớp ghép nên thầy phải hướng dẫn cho từng em một.
Hè năm nay, thầy lại nhận kèm cho hơn chục em chuẩn bị vào lớp một và một em bị hội chứng Down. Cầm tay đưa từng nét bút, chỉ dạy từng con chữ, phép tính, vất vả là thế nhưng thầy vẫn luôn kiên nhẫn và tận tâm. Thầy tâm sự: “Giờ chỉ mong mình khỏe mạnh để dạy tụi nhỏ tới chừng mô đó chừng. Biết là xã hội ngày một đi lên, những vẫn còn những đứa trẻ khó khăn lắm. Rồi những đứa bị bệnh không đến trường học được, không có thầy thì tụi nhỏ phải chịu cảnh mù chữ. Đêm nằm thầy cứ trăn trở mãi, không nỡ lòng mô mà nhìn bọn trẻ ở đây không biết chữ. Chỉ cần lớp ni còn một em học sinh cần thầy là thầy còn dạy. Khi mô mà lực bất tòng tâm rồi thì thôi, chơ chừ còn sức là thầy vẫn dạy”.
Những mầm xanh tương lai của miền cát trắng Phú Đa được ươm lên từ lớp học tình thương của thầy Nguyễn Trai rồi mai đây sẽ tỏa đi muôn phương để xây dựng đất nước. Chỉ có thầy là vẫn mãi ở đây, bình dị, cần mẫn và đau đáu với sự nghiệp trồng người.
THỦY TIÊN