Tham gia tại Cuộc thi “Đại sứ học đường trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Cuộc thi “Đại sứ học đường trong phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu” do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận tổ chức.
Cuộc thi “Đại sứ học đường trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đây là sân chơi bổ ích cho các em học sinh cấp Trung học Cơ sở nhằm giúp các em tìm hiểu và cùng sáng tạo, nâng cao ý thức tuyên truyền tới những người thân xung quanh về các vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo thông tin từ Ban tổ chức cho biết, sau 1 tháng kể từ ngày phát động đến ngày 15/4 đã nhận được hơn 500 bài dự thi. Hầu hết các tác phẩm rất đa dạng về ý tưởng và phong phú về hình thức thể hiện. Đặc biệt các em học sinh đã biết khâu nối các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa đến việc gia tăng các thiên tai tại địa phương như bão, lũ, sạt lở bờ biển; đưa ra các sáng kiến về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, khai thác các mặt lợi từ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua vòng 1, Ban tổ chức đã chọn 20 bài dự thi xuất sắc nhất lọt vào vòng 2 để tìm ra 1 giải Nhất và giải 1 giải Đặc biệt. Đáng chú ý là video với chủ đề “Đánh thức vùng đất đã ngủ yên sau thiên tai” đã tạo được nhiều ấn tượng về cách nhìn nhận thực trạng và hướng giải quyết vấn đề do hai em Trương Nguyễn Ý Như và Trần Thanh Thúy, học sinh lớp 7/5, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP. Hội An lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và thực hiện clip.
Hai em Trương Nguyễn Ý Như và Trần Thanh Thúy, học sinh lớp 7/5, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP. Hội An thực hiện quay phim bằng điện thoại.
Theo đó, video dài 5 phút 12 giây giới thiệu vùng quê thôn 4 Nam Ngạn, xã Cẩm Nam với những hình ảnh chân thực về cảnh vật, đời sống của người dân nơi đây. Qua lăng kính của mình, các em đã mở đầu video bằng câu chuyện chia sẻ đầy tiếc nuối về một “thiên đường” sau cơn lũ, người dân dần rời bỏ nơi đây để tìm sinh kế. Trong quá khứ, thôn 4 Nam Ngạn từng là nơi thu hút không ít du khách, về mảnh đất ấy, con người như trút bỏ hết những ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành. Thật đáng tiếc khi một vùng đất giàu tiềm năng như thế đã bị lãng quên vì thiên tai.
Để có cái nhìn khách quan về thực tế, hai em nhận định rằng: “Hằng năm, chỉ vào mùa lũ thì thôn 4 Nam Ngạn mới ngập nước, 3 mùa còn lại không bị ngập nước, bà con vẫn có thể cấy hái và phát triển kinh tế nếu có hướng đi phù hợp. Thực tế những năm qua cho thấy, mùa nước lũ lại là thời điểm thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là hoạt động chèo thuyền như trong phố cổ. Với người dân vùng cao, nước lũ là cơn ác mộng, thế nhưng với Hội An thì đó thật sự là một trải nghiệm thú vị, là điều kiện để chúng ta phát triển du lịch trải nghiệm ngay trong mùa lũ”.
Không chỉ truyền tải những “giá trị” mà mùa lũ đem lại, các em cho rằng, trốn chạy đâu phải là cách, trong khi tiềm năng và tài nguyên vẫn đang còn bỏ ngỏ. Làm gì để thích nghi và sống chung với lũ là điều nên làm và phải làm để vực dậy mảnh đất quê hương. Để làm được điều đó, trong video này, Trương Nguyễn Ý Như và Trần Thanh Thúy đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển du lịch để đánh thức vùng đất đã ngủ yên sau thiên tai từ nhiều năm về trước.
Trao đổi với phóng viên, cô Dương Thị Hòa – Giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP. Hội An chia sẻ: “Hai em đã thực hiện ý tưởng cho video dự thi cũng như đề xuất các giải pháp rất thiết thực với tình hình thực tế. Vừa ứng phó với thiên tai vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và vừa phát triển kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Các em kêu gọi chúng ta không nên trốn chạy và khuất phục trước thiên nhiên mà cần sống chung với lũ. Các em mong muốn biến vùng đất bị bỏ hoang do thiên tai thành khu du lịch sinh thái với các hoạt động trải nghiệm ngay trong mùa lũ như chèo thuyền, tận dụng phù sa mùa lũ để phát triển nông nghiệp, xây dựng nhà nổi trên sông và phát triển du lịch sinh thái gắn với các hoạt động trải nghiệm trong những ngành nghề truyền thống của vùng đất đó”.
Em Ý Như trong một lần đến thăm thôn 4 Nam Ngạn, nơi có nhiều tiềm năng du lịch đang còn bỏ ngỏ.
Học sinh chủ động lựa chọn một trong các hình thức làm bài dự thi như viết bài luận, sáng tác truyện, thơ, vẽ tranh, photo show, làm clip, sáng tác kịch bản, kể chuyện và các hình thức sáng tạo khác theo chủ đề của cuộc thi.
Vòng 2, 20 học sinh xuất sắc sẽ được hướng dẫn hoàn thiện tác phẩm của mình thông qua các buổi huấn luyện với các chuyên gia. Các em sẽ nhận được hướng dẫn chuyên sâu về cách viết văn (cho các bài luận/photo show, v.v) và cách làm phim (cho các video clip), các kiến thức cập nhật về PCTT&TƯBĐKH.
Trong số 20 bài xuất sắc, BGK sẽ lựa chọn ra 1 bài để trao giải Đặc biệt, 1 giải Nhất về số lượng bình chọn qua Fanpage Thông tin Phòng, chống thiên tai, còn lại sẽ là giải khuyến khích. Riêng học sinh đạt giải Đặc biệt và giải Nhất sẽ được BTC cuộc thi mời dự Lễ mitting Phòng, chống thiên tai và nhận thưởng tại Hà Nội, toàn bộ kinh phí ăn, ở, đi lại do BTC đài thọ.
Ngoài ra còn có 100 phần quà là túi xách xinh xắn sẽ dành cho 100 học sinh có bài dự thi sớm nhất.
Đăng Vinh