Chỉ là một chuyến đi khảo sát, nhưng nhân duyên đã kết nối mọi người có chuyến đi tiếp sức với nhiều tấm lòng thiện nguyện, nhân ái Bắc – Nam.
Gần một tuần trôi qua kể từ chuyến đi khảo sát, nhưng giờ đây tôi ngồi và hồi tưởng lại những gì đã trả qua trong chuyến đi tôi vẫn cảm thấy buồn vui đủ cả. Đó thật sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa nhân duyên.
Quả thật, ban đầu kế hoạch chuyến đi chỉ có hai chị em, nhưng nghe chị nói là tôi nhiều bạn bè nên có nói là tôi đi vào Nam một tuần mới gặp lại mọi người được… thế là bạn bè chị đã đề nghị cho đi cùng để đi du lịch tham quan, vì trong nhóm bạn bè của chị thì có người đã đi nhưng lại có người chưa từng được đi Sài Gòn lần nào mặc dù ai cũng đã ngoại tứ tuần. Nghe chị nói thế nên tôi cũng chiều theo ý chị và rồi chuyến đi tổng số có 9 người, toàn chị em khu vực TP Bắc Giang, thị trấn Trũ, Lục Nam. Đăc biệt trong đoàn có cụ bà đã 90 tuổi không có con cháu ruột thịt đi cùng, tôi lo ngại và luôn hỏi thăm sức khẻo cụ.
Khi vào đến Biên Hòa, Đồng Nai, ngày đầu tiên hai chị em tôi bận việc riêng nhưng vẫn ăn chung, ngủ chung cùng mọi người trong đoàn; Ngày thứ 2 công việc của 2 chị em tôi đã xong, còn các chị thì tranh thủ đi một vài địa điểm tham quan. Ngày thứ 3 tự nhiên các hội viên mới trong phía nam nảy sinh việc đi làm từ thiện. Trong đoàn thì có cả người Bắc, người Nam, người nhiều tuổi, người ít tuổi. Nói đến quyên góp để đi làm việc thiện ai nấy đều hào hứng mặc dù đường xa lại không cùng một chặng, lúc đi xe ô tô lúc đi xuồng…
Khởi hành từ sáng sớm, chiếc xe 30 chỗ chở theo gạo; mưới; mì tôm; quần áo và cả tiền quyên góp của các chị em với gần 20 người gồm cả người Bắc và người Nam, đại diện cho Hội viên Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, với mong muốn mang đến cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đất miền sông nước có thêm niềm vui hơn.
Lòng hồ thủy điện Trị An, nơi nhà bè gia đình các em chung sống
Chúng tôi nhận được sự dẫn dắt tận tâm của Ni cô Diệu Tịnh ( Hội viên Nguyễn Thị Thanh người con quê hương Bắc Giang đã vào Đông Nai lập nghiêp hơn 40 năm), cô là người tu tại gia cùng với Đại đức thích Trung Tiến (Thế danh Huỳnh Văn Phụng quê Tiền Giang cũng là người tu hành tại gia thất). Nhóm chúng tôi ghé thăm ngôi chùa Liên Sơn do Đại đức Thích Chơn Nguyên trụ trì trông coi. Nghe Đại đức Thích Chơn Nguyên, kể về nhân duyên với nơi đây: Tám năm trước, ông từ TP. Hồ Chí Minh về nhận chùa ở ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đây vốn là vùng đất bị cô lập do lòng hồ Trị An chia cắt. Từ đây muốn tới được thị trấn bằng xe máy cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ đi xuyên rừng, có khi còn gặp cả voi rừng, thú dữ. Đời sống của người dân, việc đi học của trẻ con ở đây gặp nhiều khó khăn, nhưng thiệt thòi hơn cả là những đứa trẻ ở dưới làng bè. Chúng là những đứa trẻ người Việt hồi hương từ Campuchia. Khi còn ở bên Campuchia chúng sống cùng cha mẹ ở vùng Biển Hồ mênh mông nước. Về Việt Nam, cha mẹ chúng cũng chọn vùng lòng hồ thủy điện Trị An làm chốn sinh nhai. Nhưng vì nhiều lý do, không có đủ giấy tờ tùy thân, chúng không được đi học. Thế nên sư thầy Thích Chơn Nguyên nghĩ đến việc mở lớp dạy chữ, dạy đạo lý cho đám trẻ với mong muốn giản đơn: con chữ sẽ giúp cho đám trẻ tìm được một tương lai tươi sáng hơn.
Trưởng Ban và phó Ban Tổ chức trao sách bút cho các con
Đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ: “Thầy dạy các em biết chữ chứ thầy không cấp bằng cấp được. Thầy dạy chúng biết đọc, biết viết, thay đổi hành vi, lối sống, dạy cách làm người. Khi chúng đủ lớn, thầy sẽ liên hệ với các nơi tuyển dụng lao động, cố gắng đưa các em vào các công ty làm việc, cho các em được đi làm như bao công nhân khác. Tuy rất khó khăn nhưng phải làm, vì nếu không làm sẽ không biết tương lai của các em như thế nào. Đó cũng là cách tốt nhất thầy có thể nghĩ được cho đến lúc này”. Không chỉ dạy chữ, dạy hát cho trẻ em làng bè, Đại đức Thích Chơn Nguyên còn chỉ cho các em nhiều kỹ năng sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là tập cho các em không nói tục và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở sạch sẽ. Đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ tiếp: “Những ngày đầu đi học mấy đứa nhỏ rất hay nói tục. Vì vậy, tôi đề ra nội quy, mỗi lần có em nào nói tục, tôi phạt đứng tại chỗ. Những lúc mấy đứa nhỏ ngủ trưa, tôi nhờ người trông coi giùm lớp để chèo xuồng tới từng nhà bè nói với cha mẹ các em không dùng từ ngữ tục để nói chuyện khi có mặt con trẻ. Đến bây giờ không còn em nào nói tục nữa mà cha mẹ các em cũng giảm hẳn”.
Đúng như lời nói của Ni cô trên xe, đi gần 80km đến chùa Liên Sơn, sau đó chúng tôi xuống xuồng đi thêm 30km trên sông nữa mới đến khu nhà bè ở vùng sông nước khó khăn này, có rất ít sự hiện diện của những người trẻ trong độ tuổi lao động, đa số là người già và trẻ em. Đau lòng nhất là cảnh các cháu bị tàn tật và thiểu năng cùng sống trên những chiếc bè chính là mái nhà đơn sơ bập bềnh sông nước.
Anh Lê Nho Đảng ở Đồng Nai mua 50 thùng mỳ và đi cùng đoàn trao tận tay cho các con
Bước lên nhà bè, nhà bè này là do Đại đức Thích Chơn Nguyên tìm mua 1 nhà bè cũ có diện tích rộng so với nhà bè của các gia đình các em sinh sống với giá 65 triệu đồng. Đại đức Thích Chơn Nguyên bỏ tiền, bà con làng bè xúm vào giúp sức gia cố, trang trí thêm cho nhà bè rộng, gọn gàng. Khi đã có nơi cố định để duy trì lớp học, đại đức Thích Chơn Nguyên mở rộng lớp cho những người lớn tuổi. Riêng mấy em nhỏ còn được lo ăn uống 2 bữa trưa và chiều.
Ni cô Diệu Tịnh và Đại đức thích Trung Tiến, hai người hỗ trợ và khỏi sướng chuyến đi này
Bà Phạm Thị Yến, đại diện Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc trao tiền cho nhà chùa.
Nhân duyên đoàn thiện nguyện Bắc – Nam. Đặc biệt đứng gần giữa là cụ Nguyễn Thị Tiến 90 tuổi, đứng chống ô
Chúng tôi bước lên nhà bè và giao lưu cùng các cháu, mọi người phát quà rồi cùng trò truyện, các cháu vui mừng khôn tả cứ lứu dúi đúng là bầy trẻ thơ. Có em Trần Thị Cầm (8 tuổi) cho hay: “Được thầy Thích Chơn Nguyên dạy học chữ nên con vui vì có thể cầm truyện tranh đọc, chứ khi trước con toàn nhìn hình” và nhiều người 50, 60 tuổi cũng đã biết đọc và ký tên của mình.
Giao lưu và phát quà cho các con đến quá giờ ăn trưa, chúng tôi được Đai đức Thích Chơn Nguyên sắp sếp cho bữa ăn chay tại nhà bè thật là đầm ấm sum vầy nhưng để lại nhiều ưu tư vui buồn lẫn lộn cho cả đoàn.
Các em đủ các lứa tuổi trên bè cùng học, cùng ăn và cùng ngủ trưa
Bữa ăn đã xong, chúng tôi lên xuồng trở lại đất liền (chùa Liên Sơn), chuyến đi là những niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người nhận có được, những chuyến đi thiện nguyện còn mang đến cho người tham gia nhiều điều giá trị, đó không chỉ là những trải nghiệm khi đặt chân đến những vùng đất mới mà nó còn giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn để cảm nhận được chân thực nhất cuộc sống xung quanh. Để ta cảm thấy yêu đời và lạc quan hơn cũng để tâm hồn ta biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn. Kết thúc chuyến đi và trở về TP Biên Hòa khi màn đêm buông xuống, hy vọng lại có cơ duyên còn có thể đồng hành cùng anh chị em trong nhiều chuyến đi ý nghĩa nữa trên mọi miền tổ quốc.
TH. Thy Yến
Theo TCĐNA