2 ổ dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Hòa Bình tại 2 xã là Hợp Thanh và Thanh Lương xuất hiện vào ngày 5/3, đến nay đều đã qua 30 ngày và không phát sinh thêm ổ dịch mới nào.
Tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tại thôn Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn. Ảnh: Bùi Minh
|
Ngày 9/4, UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng, chống, ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều kiện để một địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi là đủ 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy con lợn bệnh cuối cùng không phát sinh thêm ổ dịch mới.
2 ổ dịch tả lợn châu Phi của Hòa Bình tại 2 xã là Hợp Thanh và Thanh Lương của huyện Lương Sơn, xuất hiện vào ngày 5/3. Đến nay đều đã qua 30 ngày và không phát sinh thêm ổ dịch mới nào. Hòa Bình đã trở thành tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm này. Như vậy số địa phương có dịch trên cả nước đã giảm xuống còn 22 tỉnh thành.
Sau tỉnh Hòa Bình, ngày mai (10/4), tỉnh Bắc Kạn sẽ là địa phương tiếp theo đủ điều kiện công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng được khống chế là sự chỉ đạo kịp thời từ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành liên quan khác.
Ngay khi sớm phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai xử lý ngay, xử lý triệt để, xử lý đồng bộ theo những hướng dẫn và sự chỉ đạo từ các văn bản, đặc biệt là Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác, tổ chức tốt các chốt phòng dịch. Đây là bài học tiêu biểu điển hình cần được nhân rộng trong ứng phó, dập dịch tả lợn châu Phi, cũng như các dịch bệnh khác.
Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và thị trường thịt lợn cũng đã có những tín hiệu khởi sắc trở lại về giá cũng như sản lượng thịt tiêu thụ. Bộ sẽ cùng các địa phương xây dựng phương án phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt sau đợt dịch này, đảm bảo không xáo trộn nhu cầu thực phẩm cả nước từ nay đến cuối năm.
Văn Sinh
Theo KTĐT