Bé Tùng Anh ở chùa Bồ Đề
Tôi không ngờ, Nguyễn Thị Bích Ngọc – trông nhỏ nhắn và trẻ như một nữ sinh lại chính là nhân vật chính trong câu chuyện mang đầy màu sắc “phá án” này…
Kỳ 1: Những câu hỏi quanh bé Tùng Anh
Gặp tôi trong một ngày đang xôn xao dư luận về vụ án chùa Bồ Đề, Ngọc kể lại hành trình cùng nhóm thiện nguyện đến với chùa Bồ Đề cho đến bây giờ, khi mà sự thật chua xót được phơi bày và có những câu hỏi chưa được trả lời như, những em bé “mất tích” thực sự đang ở đâu?
Chính vì vậy ngày 22/8, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có thông báo về kết luận đối với công tác quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên).
Theo đó, Thành ủy yêu cầu cơ quan công an tiếp tục điều tra, sớm kết luận vụ việc có dấu hiệu mua bán trẻ em xảy ra tại chùa.
Chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi khi chưa rụng rốn
Ngọc đến với chùa Bồ Đề từ tháng 8/2007 để cùng CLB Tháng 5 và Đài VTC tổ chức đêm hội trăng rằm cho các bé ở đây đón Trung thu. Đêm rằm ấy, Ngọc nhìn thấy một bé trai vẫn còn dây rốn. Hỏi sư cô, sư cô nói bé bị vứt ở cổng chùa. Đứa bé đó được đặt tên Tùng Anh.
Cả nhóm 10 người, coi Tùng Anh như con, thường xuyên qua bế ẵm, chăm sóc. Nhóm thường bồi dưỡng tiền cho các cô bảo mẫu, mua sữa, thuốc men, các vật dụng như đèn chống muỗi, mùa đông mua kem nẻ, mùa hè mua quạt. Hồi đó, cơ sở vật chất của chùa còn rất kém, thiếu thốn đến mức nhiều em bị sốt cao nhưng không có thuốc.
Cứ thế, từ năm 2007 đến 2012 Ngọc cùng nhóm thiện nguyện của mình đều đặn đến với các em nhỏ như người thân trong gia đình. Họ bỏ tiền túi ra mua sắm cho những đứa trẻ ở chùa bằng thứ tình thân ấy mà không hề suy tính thiệt hơn. Dần dần họ phát hiện ra những chuyện trái tai gai mắt ở ngay chốn tu hành.
Ngọc kể: “Đồ đạc mua thì đăng ký để các sư cô cho vào kho, nhưng em phát hiện thấy những đồ mình đăng ký các bé không được nhận. Bởi vì em không như người khác chỉ đến chùa một hai lần trong năm nên không phát hiện thấy gì bất thường. Một tuần em sang chùa khoảng 3- 4 lần.
Cty em gần chùa, em lại còn trẻ, hết giờ làm em sang chùa chơi, tắm cho các bé, ở với các bé khoảng 4-5 tiếng thì em về. Đồ đạc bọn em mua tặng nhưng không thấy các bé được sử dụng. Thấy có vấn đề nên bọn em phải thay đổi cách làm từ thiện, chúng em mua đồ sẵn mang xuống trực tiếp cho các bé ăn uống”.
Một tuần, cứ ba bốn hôm đến chùa Bồ Đề như vậy, Ngọc đặc biệt gắn bó với Tùng Anh – cậu bé mà cô gặp khi chưa cắt dây rốn đêm Trung thu – bây giờ rất bụ bẫm, tên thường gọi là Khoai. Nhưng cho đến một ngày tháng 1/2008 Ngọc đến thì không thấy Tùng Anh đâu nữa.
Tùng Anh đi đâu? Có thông tin cho biết Tùng Anh đến chùa An Đà – Hải Phòng. Linh – một thành viên trong nhóm của Ngọc – xác minh ở chùa An Đà không hề có Tùng Anh. Linh gọi điện báo cho Ngọc. Ngọc lập tức vào chùa Bồ Đề. Vào chùa không gặp được sư trụ trì Đàm Lan, chỉ gặp được sư cô. Sư cô cho biết: “Mẹ đẻ đến đón Tùng Anh đi rồi”.
Ngọc ngạc nhiên: “Con thường xuyên ở đây, con không tin là mẹ đẻ đến đón Tùng Anh. Có cái gì chứng minh đó là mẹ đẻ không”. Sư cô chỉ nói: “Thôi mẹ đẻ đến đón rồi, tra thông tin làm cái gì, tôi không biết”. Đi tìm tung tích của Tùng Anh, chỉ nhận được những thông tin lập lờ, lấp lửng. Ngọc và nhóm thiện nguyện vừa buồn vừa bức xúc vừa đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Ngọc nói với sư cô: “Tụi con rất yêu Tùng Anh, chăm sóc bé từ khi chưa cắt rốn. Nếu thật sự bây giờ bé được mẹ đón thì mừng quá, cho bọn con xin thông tin để thăm cháu”. Sư cô lắc đầu nói: “ Không cung cấp được thông tin”.
Sau Tùng Anh, đến lượt bé Việt Anh cũng “mất tích”. Sư cô vẫn nói: có người đón về nuôi rồi. Ngọc thấy có vấn đề, lân la hỏi các cô bảo mẫu, cô Cúc, cô Sen… Các cô bảo mẫu cho hay Việt Anh được cho làm con nuôi.
Có gì đó chua xót lẫn uất ức trong giọng kể của Ngọc: “Từ đó, sự nghi ngờ trong em ngày càng lớn. Mỗi lần sang chùa, em đều có ý thức chụp ảnh các bé và lưu trên blog 360 (hồi đó có blog 360 của yahoo). Em cũng sưu tập các bài báo nói về chùa. Một bài trên báo điện tử Ngôi Sao, sư Đàm Lan nói đến thời điểm này sư trụ trì chỉ trả duy nhất một trường hợp khi bố mẹ nghiện vào tù gửi con, khi ra tù bố mẹ xin đón con. Em suy ra, Tùng Anh không phải bố mẹ đón. Vậy Tùng Anh đi đâu?
Trên một tờ báo lại viết Tùng Anh được đưa lên số 2 Yên Bài chữa bệnh, thời điểm đi là tháng 2/2009. Có một chi tiết đặc biệt là năm 2008 khi Tùng Anh biến mất thì ở chùa có đón nhận một bé mới cũng tên là Tùng Anh, bé này có bệnh. Xâu chuỗi thông tin thì em nghĩ bé này là Tùng Anh thứ hai.
Tùng Anh trong vòng tay của thành viên thiện nguyện
Ngọc vẫn tiếp tục mạch câu chuyện: “Trong bản xác minh 11 bé bị “mất tích” của công an quận Long Biên, các bé đều có bố mẹ. Vậy hóa ra những người thiện nguyện như bọn em bị lừa.
Em tìm hiểu: “Thế nào là bé bị bỏ rơi?” Là những bé bị mất cha, mất mẹ hoặc vô thừa nhận. Người nhận được bé, phải thông báo cho chính quyền địa phương, thông báo trong ba mươi ngày liên tục trên loa phường xã. Sau 30 ngày nếu không ai nhận thì được ghi là bị bỏ rơi.
Em nghĩ khi trao trả các bé cho cha mẹ, tất cả các trường hợp phải được chụp ảnh. Vậy cho em xin những bức ảnh vào thời điểm trao trả đó. Bây giờ mà trao cho em giấy viết tay thì em không nhận, vì đó không phải là những giấy tờ chính thống đáng tin cậy.
Trường hợp mất tích của bé Huy Anh trong đơn đề nghị điều tra em có nêu, nhưng khi phóng viên của Vietnam Plus sang gặp sư trụ trì thì sư nói trong chùa không có bé nào tên là Huy Anh.
Ngày 1/8 vừa rồi, công an quận Long Biên lại khẳng định có đủ 11 trường hợp và bé Huy Anh lại đang ở chùa. Không hiểu bằng cách nào, nhiều cháu bé biến mất lại đang được đón về chùa. Có một số cháu được nhận làm con nuôi.
Em đặt vấn đề: làm sao các bé đang ở trong chùa, sau đó lại có mẹ đẻ đón ra khỏi chùa. Mà cứ mẹ đẻ đến đón thì lại được cho một gia đình khác làm con nuôi. Cho đến bây giờ em không hiểu là những bảo mẫu ở đó cho bao nhiêu con nuôi? Sư nói không cho trường hợp nào cả, nhưng trên Báo Phụ nữ TPHCM có ảnh chụp đơn cho nhận con nuôi, người cho con nuôi là Thích Đàm Lan, có chữ ký và đóng dấu.
Những câu hỏi chưa có lời đáp
Ngọc chỉ cho tôi những bất nhất trong các con số mà sư trụ trì đưa ra mà cô gái này cùng nhóm thiện nguyện đã cẩn thận thống kê, sưu tập trên báo chí.
Sư trụ trì Thích Đàm Lan trả lời trên báo năm 2007 ở chùa Bồ Đề hiện nuôi dưỡng có 40 cháu. Năm 2008 có 47 cháu. Năm 2009, 2010, nhà chùa trả lời trên trang RFA quốc tế: Hiện tại trong chùa đang nuôi dưỡng 98 em, từ 20 tuổi trở lại, trong đó có 47 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, 4 trẻ chưa được 10 tuổi. Cộng lại là 51 trẻ.
Năm 2011, sư trụ trì trả lời trên báo Pháp luật là có 60 trẻ sơ sinh. Năm 2012 nhà chùa cho báo chí biết là đang có 150 cháu nhưng ngày 20/7/2014 sư nói trên báo là có 112 trẻ. Đến ngày bảo mẫu Trang bị bắt, công an Hà Nội vào kiểm tra chùa còn 106 cháu. Theo Ngọc con số trẻ em “biến mất” khỏi chùa Bồ Đề không dừng lại ở 11 bé.
Trong danh sách các bé, trùng tên, lặp tên rất nhiều. Ngọc quan sát và nhận thấy hầu như cứ một bé “biến mất” thì sẽ có một bé lặp tên y hệt thế vào. Nhà chùa không có danh sách hằng năm có bao nhiêu trường hợp các bé ra vào, ra đi đâu, về với ai, có chính quyền địa phương làm chứng không?
Thời gian đó, thấy những dấu hiệu đáng ngờ, nhóm thiện nguyện đã viết đơn đề nghị điều tra.
Bây giờ Ngọc cùng các bạn vẫn đau đáu với câu hỏi: các bé Tùng Anh, Việt Anh, Minh Anh – những đứa trẻ mà họ chăm sóc khi còn đỏ hỏn – đang ở đâu?
Từ câu chuyện của Ngọc, tôi đi tìm tung tích của Tùng Anh – đứa bé tưởng như “mất tích” nay bỗng có địa chỉ nơi ở rất rõ ràng do công an quận Long Biên xác minh. Tôi theo địa chỉ ấy về Nam Định, nơi mà Tùng Anh được cho là đang sống cùng mẹ. Nhưng thực hư của thông tin này thế nào?
Còn nữa…
>>> Xem thêm: Lựa chọn nguy hiểm của Thu Trang – nhà báo kiên trì đưa vụ chùa Bồ Đề ra ánh sáng