Ngày 28/8, một sĩ quan hải quân cao cấp của Trung Quốc đã khuyến nghị các phi công chiến đấu nước này kiên quyết ngăn chặn các máy bay do thám của Mỹ sau sự cố chiến đấu cơ Trung Quốc đe dọa máy bay P-8 của Mỹ trên Biển Đông hồi tuần trước.
Lời tuyên bố của Chuẩn Đô đốc Zhang Zhaozhong thuộc Học viện Quốc phòng ở Bắc Kinh được đăng tải trên báo chí Trung Quốc phản ánh cái gọi là quyết tâm bảo vệ hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc trước hoạt động do thám của Mỹ.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng những vụ chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh ngăn chặn, đe dọa máy bay Mỹ trên biển sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới với cường độ quyết liệt hơn, và đây là hành động được chỉ đạo từ cấp trên chứ không phải là sự bột phát của phi công.
Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát đe dọa máy bay do thám Mỹ
Chuẩn Đô đốc Zhang tuyên bố trên tờ Hoàn Cầu: “Trước đây chúng ta chưa gây sức ép đủ lớn với họ. Kề dao vào cổ là cách răn đe duy nhất. Từ nay về sau, chúng ta phải bay sát hơn nữa với máy bay do thám Mỹ”.
Hồi tuần trước, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát sạt ở khoảng cách chỉ 9 mét với máy bay săn ngầm P-8 Poseidon đang bay ở không phận quốc tế, rồi sau đó lộn vòng ngay trên chiếc máy bay này để khoe vũ khí và đe dọa.
Các chuyên gia quân sự cho rằng mục tiêu mà máy bay do thám Mỹ nhắm đến trong các chuyến bay này là hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động ở đảo Hải Nam. Trong số những tàu ngầm hoạt động ở căn cứ này có tàu ngầm lớn Tấn có thể mang theo tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân, vốn được coi là con át chủ bài trong chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Ông Zhang Baohui, chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan (Hong Kong) cho biết: “Xét về dài hạn, những tàu ngầm lớp Tấn này là hy vọng duy nhất của Trung Quốc để xây dựng chiến lược răn đe hiệu quả. Chúng là tất cả đối với Trung Quốc lúc này”.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo là vũ khí quan trọng nhất trong chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc hơn bất cứ loại vũ khí nào khác, vì Bắc Kinh từ những năm 1960 đã thực thi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ phi bị tấn công trước.
Tàu ngầm lớp Tấn trang bị tên lửa hạt nhân của Trung Quốc tại đảo Hải Nam
Điều đó đồng nghĩa với việc các tên lửa hạn nhân cỡ lớn bố trí trên đất liền có nguy cơ bị đối phương tiêu diệt ngay trong đòn phủ đầu, nếu như Bắc Kinh tôn trọng cam kết “không tấn công trước” trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tàu ngầm lớp Tấn lại có thể mang theo những tên lửa hạt nhân, luồn sâu vào Thái Bình Dương và bắn tới đất Mỹ, bởi vậy nó trở thành “hy vọng duy nhất của Trung Quốc” về một biện pháp răn đe hiệu quả, ngay cả khi nước này hứng chịu đòn tấn công phủ đầu.
Theo ông Zhang Baohui, việc triển khai số tàu ngầm này sẽ khiến Mỹ phải đắn đo hơn trong các tính toán của mình, và việc Mỹ tăng cường do thám khu vực vùng biển xung quanh đảo Hải Nam đã thể hiện điều đó.
Báo chí Trung Quốc đã đăng tải một số bức ảnh về tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc hoạt động tại căn cứ hải quân Hải Nam, trong đó có những khu neo đậu tàu ngầm bí mật được khoét vào sườn núi.
>>> Xem thêm: Trung Quốc khoe nhiều trực thăng, xe tăng thế hệ mới nhất