Dù làm bất cứ điều gì, từ nấu ăn, làm việc bên máy tính, chụp ảnh, di chuyển hay nói chuyện… bạn cũng cần phải thở, cần phải lấp đầy phổi bằng luồng khí oxy trong lành. Nhưng thực tế, không khí đang dần bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn oxy đang dần bị cạn kiệt trước những ống khói khí thải chót vót từ các nhà máy công nghiệp, khí thải từ phương tiện giao thông: ô tô, xe máy, xe tải…
Nếu cứ tiếp tục tình trạng này liệu rằng con người có còn oxy để thở, để duy trì sự sống. Vì vậy một ngày kia, oxy được đóng chai và trở thành một mặt hàng thương mại “đắt hàng” cũng không phải là ý nghĩ điên rồ chỉ có trong những bộ phim giả tưởng.
Lướt qua những đất nước có mức ô nhiễm không khí báo động dưới đây, bất cứ ai cũng sẽ phải giật mình nhận ra không khí trong lành đang là “một thứ” xa xỉ với những dân cư sinh sống ở đây.
Mông Cổ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “PM10” là khái niệm đo lường các hạt vật chất trong không khí từ đó đánh giá mức độ trong lành và xếp hạng mức độ ô nhiễm ở các quốc gia. Những hạt này có thể là khói, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa…
Nếu ở khu vực nào kết quả đo đạc PM10 vượt quá 100 thì không khí nơi đó đã rơi vào tình trạng ô nhiễm báo động.
Ở Mông Cổ, mùa đông lạnh lẽo kéo dài khiến người dân phải đốt than để nấu ăn và sưởi ấm. Chính điều này là nguyên nhân hàng đầu khiến không khí ở đất nước trở nên ô nhiễm trầm trọng với mức đo PM10 trung bình hàng năm là 279 không chỉ ngoài trời mà ngay cả trong những ngôi nhà.
Botswana
Ngành công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản đang dần khiến môi trường ở đất nước này ô nhiễm đến mức báo động khi mức độ PM10 là 216.
Pakistan
Mức PM10 ở Pakistan là 198. Một báo cáo năm 2014 cho thấy ô nhiễm không khí ở các khu đô thị của Pakistan khiến hàng ngàn người chết mỗi năm. Cụ thể, hơn 80.000 ca nhập viện mỗi năm ở nước này vì các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó có 8.000 trường hợp viêm phế quản mãn tính và gần 5 triệu trẻ em dưới năm tuổi mắc các bệnh đường hô hấp.
Senegal
Senegal là một trong những “bãi phế liệu” của nền công nghiệp điện tử phương Tây. Cả người lớn và trẻ em đều làm việc trong các khu vực đốt xử lý linh kiện điện tử và pin với hy vọng tìm kiếm các chi tiết có giá trị còn sót lại.
Chính những khu đốt linh kiện khổng lồ khiến nguồn không khí ở Senegal trở nên ô nhiễm khủng khiếp và nhiều người dân bị nhiễm độc. Mức độ PM10 trung bình hàng năm của nước này là 145.
Ả Rập Saudi
Trong năm 2014, WHO xếp hạng Riyadh, Ả Rập Saudi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Mức độ PM10 trung bình của cả nước là 143 do tần suất liên tục của những cơn bão cát, khí phát thải từ một lượng lớn phương tiện giao thông và ngành công nghiệp.
Ai Cập
Trung bình mức độ PM10 hàng năm của Ai Cập là 138. Theo WHO, lượng ô nhiễm ở nước này khiến mỗi công dân ở đây hít thở nhưng đồng thời thu vào mình một lượng lớn chất độc hại như hút một gói thuốc lá.
Ấn Độ
Trung tâm Khoa học và Môi trường của Ấn Độ (CSE) cho biết, vào mùa đông năm 2013, so với mức trung bình được coi là an toàn, tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi cao hơn gấp 60 lần. Mức độ PM10 của Ấn Độ là 109.
Trung Quốc
Mặc dù mức PM10 gần đây nhất của Trung Quốc được đo đạc chỉ dừng ở con số 98 nhưng đừng để nó đánh lừa bạn. Bởi vì đất nước này có diện tích rất lớn và nhiều khu vực vẫn còn là nông thôn nên mức độ ô nhiễm được giảm xuống đáng kể thông qua tính toán các số liệu.
Trên thực tế, ở các thành phố, nơi mật độ dân số cao khủng khiếp thì tình hình ô nhiễm cũng được đẩy lên mức báo động. Vì vậy, không hề sai khi nhận định người dân Trung Quốc đang "sống trong sợ hãi" khi không chỉ không khí mà nước, đất và thực phẩm cũng bị ô nhiễm.
Một thiết bị giám sát chất lượng không khí trên đỉnh tòa nhà của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã ghi nhận mức PM10 ở đây là 755… Một con số khiến bất cứ ai cũng phải kinh hoàng vì PM10 trên 100 là không khí bị đánh giá là ô nhiễm và trên 500 là "nguy hại đến sức khỏe con người”.