Lúc này, hệ thống quản trị rủi ro, khủng hoảng được thiết lập một cách bài bản tại các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn mới là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp trụ vững trong cơn bão.
Quản trị rủi ro – Cần thiết nhưng chưa được đầu tư đúng mức
Theo ông Đỗ Thành Công, một chuyên gia cấp cao về Quản lý rủi ro tại TNG Holdings Vietnam, đối với một doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố bị ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động kinh doanh khi xảy ra những sự cố rủi ro như: thiên tai, dịch bệnh… Có những yếu tố có thể khôi phục lại nhưng cũng có những yếu tố nếu đã mất đi sẽ chẳng bao giờ trở lại (như uy tín, thương hiệu, cổ đông, đối tác, nhân sự trọng yếu…). Đó là lý do vì sao các nguyên tắc quản trị đều coi những thiệt hại do gián đoạn hoạt động kinh doanh là chi phí đắt đỏ nhất của doanh nghiệp. Nếu có một hệ thống quản trị rủi ro đủ mạnh, doanh nghiệp sẽ có thể tính toán những điều kiện tối thiểu để đảm bảo toàn bộ máy có thể duy trì hoạt động liên tục trong mọi điều kiện. Qua đó, giảm thiểu tối đa các tổn thất do gián đoạn hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng do thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là cả khủng hoảng kinh tế.
Theo quan sát của nhiều nhà quản lý, ở Việt Nam, ngoại trừ các tổ chức tài chính – ngân hàng, nhìn chung, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm và triển khai hệ thống quản trị rủi ro, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, khi xảy ra những biến cố như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh… năng lực ứng phó của những doanh nghiệp này thường thấp, doanh nghiệp rơi vào thế bị động nên tác động của rủi ro tới sức khỏe doanh nghiệp lại càng lớn. Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Trong khi đó, tại một số doanh nghiệp lớn sở hữu năng lực quản trị chuyên nghiệp tại Việt Nam, ngay từ khi nắm được những tín hiệu đầu tiên về một dịch bệnh có khả năng tấn công toàn cầu, các tổ chức này đã nhanh chóng triển khai những kế hoạch bài bản nhất để sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng nổ và kéo dài.
Đảm bảo sự an toàn về con người của tổ chức là yếu tố hàng đầu trong quản trị rủi ro
Triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo sự an toàn về con người là yếu tố hàng đầu trong quản trị rủi ro
Cho đến nay, TNG Holdings Vietnam – một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong nhiều lĩnh vực bất động sản, thương mại – dịch vụ, bán lẻ là một trong số ít những tổ chức doanh nghiệp ở Việt Nam được đánh giá là vận dụng thành công việc quản trị rủi ro để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục khi xảy ra biến cố. Trong bối cảnh cả nước thực hiện nghiêm túc chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ, tập đoàn này vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và sự bình ổn về chính sách nhân sự đối với gần 5000 cán bộ nhân viên. Có được điều này, không thể không nhắc tới kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 được xây dựng bài bản, chi tiết từ những ngày xuất hiện thông tin đầu tiên ở Vũ Hán.
Công tác quản trị rủi ro đầu tiên được chú trọng chính là đảm bảo sự an toàn tuyệt đối về con người và tài sản của Tập đoàn. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp cơ bản như trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tay cho nhân viên, thiết lập hàng rào an ninh kiểm soát đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế hàng ngày để nhanh chóng khoanh vùng nhận diện rủi ro tại doanh nghiệp, Tập đoàn còn triển khai công tác xây dựng kịch bản diễn tập làm việc tại nhà, tại địa điểm làm việc thay thế (back-up site) cho tất cả các CBNV, các bộ phận phòng ban. Hoạt động diễn tập này nhằm đảm bảo các nhân sự của tập đoàn nắm được phương thức lao động, cách thức liên lạc, phối hợp từ xa nhằm duy trì sự liên tục của hoạt động sản xuất kinh doanh khi xảy ra những tình huống bất khả kháng như: cách ly, phong tỏa… Thậm chí, những kế hoạch về bố trí nhân sự thay thế, đặc biệt là các nhân sự cấp cao thuộc đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn cũng đã có kịch bản cụ thể. Cùng với đó, những chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động về lương, phúc lợi… cũng được tính toán trước để sẵn sàng ứng dụng khi xảy ra tình huống cách ly.
Nhờ đó, từ ngày ‘1/4, khi Chỉ thị số 16 của Chính phủ về việc thực hiện cách ly xã hội có hiệu lực, công tác về sắp xếp, bố trí, điều phối nhân sự tại Tập đoàn diễn ra trơn tru, không gặp xáo trộn gây ảnh hưởng tới tinh thần và năng suất lao động của các cán bộ nhân viên.
Đảm bảo tính xuyên suốt của hoạt động công nghệ thông tin là yếu tố sống còn
Ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến
Khi duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cách ly xã hội và làm việc từ xa, các doanh nghiệp phải đặt hiệu quả hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin lên hàng đầu vì đây chính là công cụ giúp doanh nghiệp vận hành trơn tru. Với nhiều nền tảng trực tuyến hiện nay, doanh nghiệp dễ dàng áp dụng các ứng dụng phổ biến trong trao đổi trực tuyến, lưu trữ đám mây. Nhưng với doanh nghiệp có dữ liệu lớn hoặc cần bảo mật cao rất cần đến một bộ máy công nghệ thông tin nội bộ đủ năng lực tích hợp và vận hành các hệ thống này thông suốt trên nền tảng công nghệ có bản quyền của các nhà phát triển có uy tín. Như tại TNG Holdings Vietnam, đơn vị này chọn làm việc trên các nền tảng có bản quyền của Microsoft như MS.Teams, Office 365, Power App…
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, công nghệ thông tin đã giúp hoạt động của Tập đoàn hoạt động trơn tru từ các công việc chuyên môn đến các hoạt động hành chính như báo cáo, chấm công. Ngay cả các nhân viên bị cách ly vẫn kết nối được với tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp – “Công cụ mềm” trong quản trị nhân sự khi xảy ra rủi ro
Với tập quán làm việc của phần đa lao động Việt Nam, khi nhân viên làm việc từ xa, nếu không có văn hóa doanh nghiệp, chắc chắn không thể quản lý được nhân sự. TNG Holdings Vietnam đã ghi nhận hiệu quả làm việc đạt yêu cầu khi chuyển sang làm việc trên môi trường số nhờ văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và triển khai tại đơn vị này trong suốt 3 năm qua. Một trong những hành vi theo văn hóa doanh nghiệp mà mỗi lãnh đạo ở TNG Holdings Vietnam luôn nỗ lực thực hành là “Tạo môi trường làm việc hiệu quả, kết nối đội ngũ”. Còn với tất cả CBNV nói chung, “Làm tốt nhất mỗi khi hiện diện” là một trong 8 nguyên tắc tối thượng.
Văn hóa doanh nghiệp là “công cụ mềm” giúp tăng hiệu quả công việc
Vì lẽ đó, dù cách ly xã hội, làm việc tại nhà, lãnh đạo vẫn thường xuyên trao đổi với nhân viên để lắng nghe các ý kiến. “Ngoài các cuộc họp trực tuyến về chuyên môn với từng bộ phận phải được sắp xếp hết sức có kế hoach thì tôi có các cuộc gặp khác với CBNV bất cứ lúc nào để lắng nghe mọi người vì khi thay đổi cách thức làm việc, sẽ có người này, người khác có thể chưa quen, có khó khăn, mệt mỏi trong phối hợp công việc… Vì vậy, tôi phải kết nối, ủng hộ tinh thần và khuyến khích mọi người làm việc”, một cán bộ quản lý cấp cao trong Tập đoàn cho biết.
Có rất nhiều dự báo khác nhau cho các kịch bản hồi phục kinh tế “hậu Covid-19”. Tuy nhiên, trước khi “cơn bão” này thực sự tan, các doanh nghiệp sẽ còn bị chịu ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ từ dịch bệnh mà còn từ những hệ lụy về phát triển kinh tế kéo theo. Đại dịch là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nhìn nhận một cách đúng đắn về sự cần thiết phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tại tổ chức của mình. Một kế hoạch ứng phó rủi ro bài bản sẽ là lớp chống “sốc” vô cùng hữu hiệu cho các doanh nghiệp khi có rủi ro ập tới, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trước khó khăn. |
PV