Năm 2019 để lại nhiều dấu ấn với những đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPC. Và đặc biệt, đây cũng là năm ngành điện miền Bắc có nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử.
Sự khởi sắc của EVNNPC gắn liền với tâm huyết của “nữ tướng” Đỗ Nguyệt Ánh, người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành điện. Đến thăm ông Đỗ Văn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 (năm 1998), ông kể về cô con gái của mình: “Ánh là con gái thứ hai của bác, thi đại học đạt thủ khoa nên được nhà nước cử đi nước ngoài học. Học xong, cô ấy đem về cho bác kết quả học tập là một tấm bằng đỏ”. Với thành tích học tập đó, bà Ánh đã nối nghiệp gia đình và tiếp tục khẳng định năng lực trên một địa hạt mới. Để rồi đến nay, bà Ánh đã vững vàng trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cũng là nữ CEO duy nhất của ngành điện Việt Nam.
Bà Ánh đã vinh dự được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập EVNNPC
Từ những ngày đầu nhận công tác ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc, bà Đỗ Nguyệt Ánh đã đi lên từ những vị trí nhỏ nhất, trực tiếp nhất trong ngành. Vào cơ quan công tác từ tháng 10/1995, cho dù ở cương vị nào, từ chuyên viên, cho đến phó phòng, trưởng phòng, rồi Phó Tổng giám đốc và hiện tại là Tổng giám đốc, với bề dày của những trải nghiệm cùng với tư chất thông minh, năng động, sáng tạo đầy nhiệt huyết đã giúp bà gặt hái nhiều thành công và thực sự thuyết phục.
Thời gian “nữ tướng” Đỗ Nguyệt Ánh được bổ nhiệm vị trí phó trưởng phòng rồi trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (9/1998 – 10/2006), Bí thư Đoàn Thanh niên công ty; hoạt động quan hệ quốc tế của Công ty Điện lực 1 lúc bấy giờ tưng bừng “nở hoa kết trái”… Hàng loạt các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty. Bà Ánh là người đầu tiên kết nối việc mua điện từ Công ty Điện lực Vân Nam – Trung Quốc đồng thời đặt nền móng cho việc hợp tác toàn diện trong lĩnh vực phân phối kinh doanh điện năng giữa hai công ty. Ngoài ra, với năng lực sẵn có cộng thêm niềm hăng say trong công việc, luôn muốn nghĩ và làm những điều lớn lao hơn cho tổ chức, bà đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và đã kết nối được với các tổ chức cho vay nước ngoài để thực hiện các dự án quan trọng trong ngành điện. Bà đã được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả thể hiện từ việc bố trí, phân bổ nguồn vốn hợp lý, giám sát tiến độ và chất lượng của công trình đang sử dụng nguồn vốn vay…
Xác định gắn bó lâu dài với ngành điện, bà Đỗ Nguyệt Ánh chọn con đường học hỏi liên tục, qua các chương trình đào tạo chính thức, qua công việc, qua kinh nghiệm của các bậc tiền bối với thái độ khiêm tốn, cầu thị và không ngừng học hỏi… Với tấm bằng đỏ và thông thạo nhiều ngoại ngữ, là thạc sỹ ngôn ngữ Nga, kỹ sư hệ thống điện, cử nhân Quản trị kinh doanh quốc tế, cử nhân tiếng Anh, bà Ánh được rất nhiều cơ quan trong nước và nước ngoài mời về làm việc nhưng bà vẫn chọn ngành điện để công tác và cống hiến.
Tháng 7/2019, bà Ánh được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao quyết định nhận nhiệm vụ mới là thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Bà Ánh đi kiểm tra công tác diễn tập tại hiện trường
“Luồng gió mới” thực sự đã thổi đến tất cả 27.000 CBCNV của Tổng công ty bởi bà Ánh đã chỉ đạo quyết liệt và sâu sát các mảng công tác chuyên môn, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành, sản xuất kinh doanh và vận hành của Tổng công ty. Bà Ánh đã yêu cầu đưa các phần mềm công nghệ thông tin vào ứng dụng trong công tác quản trị, xây dựng, và vận hành thành công TBA 110kV Quế Võ 2 sử dụng giải pháp công nghệ kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam và được EVN đánh giá cao. Hơn thế nữa, Tổng công ty đã làm chủ công nghệ, tự thực hiện, xây dựng và phát triển phần mềm tích hợp điều khiển trạm biến áp, đánh dấu một bước tiến mới của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong việc tự chủ và không còn phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài cung cấp giải pháp phần mềm. Hầu hết các hội nghị lớn, các cuộc giao ban đều tổ chức trực tuyến từ Tổng công ty đến các đơn vị Điện lực, các tổ, đội sản xuất, chỉ đạo trực tiếp đến tận người lao động…
Mọi chỉ đạo của Tổng giám đốc đều hướng tới sự phát triển hệ thống điện ổn định, tin cậy, an toàn cho người lao động và người sử dụng điện, đồng thời vẫn đặc biệt quan tâm chăm sóc đến đời sống của cán bộ công nhân viên.
Xuân Hương