Với những dấu ấn đậm nét trong thu hút FDI của tỉnh thời gian qua, ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đã có một số chia sẻ về những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư và những thuận lợi, ưu đãi dành cho nhà đầu tư khi đến Hà Nam.
Mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2019
Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tình hình thu hút vốn FDI trong thời gian qua của tỉnh Hà Nam?
Đến nay, trong các KCN của tỉnh Hà Nam có 238 dự án FDI đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 83% các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng số vốn là 3.188 triệu USD. Các dự án lớn chủ yếu tập trung vào các ngành điện, điện tử, viễn thông, trong đó có những dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc giá trị trên 300 triệu USD.
Riêng 10 tháng năm 2019, các KCN của tỉnh đã thu hút được 46 dự án trong đó có 37 dự án FDI và 09 dự án trong nước với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 646 triệu USD và 1.957 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi hiện cũng đang tiếp xúc và làm việc với một số nhà đầu tư lớn có ý định đầu tư vào Hà Nam. Nếu mọi chuyện đi theo chiều hướng tích cực, thu hút vốn đầu tư năm 2019 vào KCN của Hà Nam năm nay sẽ đạt con số 1 tỷ USD.
Để có được sự tăng trưởng vượt bậc như vậy, theo ông đâu là động lực thúc đẩy chính? Hay nói cách khác, lợi thế gì khiến Hà Nam trở thành điểm đến mới thu hút giới đầu tư so với các địa phương lân cận?
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội với vị trí địa lý và hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư nên trong những năm qua, Hà Nam luôn nằm trong top 10-15 tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.
Ban quản lý các KCN luôn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên và liên tục. Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Ban đã đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư bao gồm cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam bằng nhiều kênh, nhiều phương thức.
Ngoài ra, ban thường xuyên chú trọng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính thực hiện phương châm chuyển từ nền hành chính công vụ sang nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của các doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh là thước đo chất lượng công việc của ban. Đối với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai thực hiện dự án đều được Ban hỗ trợ kịp thời, tư vấn về các cơ chế, chính sách, những lợi thế, thuận lợi khi thực hiện đầu tư tại tỉnh Hà Nam.
Những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư quan tâm đều được Ban giải đáp cụ thể. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp như Thuế, Hải Quan, Lao động,…
“Biến cơ hội thành hành động”
Để thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, không thể không phát triển cơ sở hạ tầng. Vậy, ông đánh giá như thế nào về lợi thế kết nối hạ tầng của các KCN ở Hà Nam?
Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 8 KCN, trong đó một số KCN có tỷ lệ lấp đầy 100%. Mới đây, KCN Đồng Văn III được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư trong thời gian tới.
So với các tỉnh thành lân cận, Hà Nam có yếu tố thuận lợi là tất cả các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam đều được kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia như đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 38, Quốc lộ 21, đường cao tốc & đường sắt Bắc-Nam. Do đó, thuận tiện cho nhà đầu tư trong việc vận chuyển hàng hóa từ Hà Nam đi Nội Bài, cảng Hải Phòng,… Ngoài ra, các KCN của tỉnh Hà Nam được kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế xã hội. Các KCN của tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội không xa chỉ trong vòng bán kính 50-60 km, thuận lợi cho nhà đầu tư tuyển dụng lao động chất lượng cao như giám đốc quản lý, CEO,…
Đặc biệt, nếu chúng ta so sánh với các tỉnh, thành có vị trí địa lý tương đồng với Hà Nam như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên,…giá thuê lại cơ sở hạ tầng tại KCN Hà Nam cũng rất cạnh tranh. Đây cũng là điểm thu hút với nhà đầu tư khi đến tìm hiểu.
Giữ vững và phát huy lợi thế của một trong những địa phương tiên phong trong thu hút vốn FDI, tỉnh Hà Nam có những chính sách ưu đãi nào dành cho nhà đầu tư, thưa ông?
Như chúng ta cũng biết, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước, Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn để đón dòng vốn FDI. Chúng tôi luôn xác định cần phải biến cơ hội thành hành động nhưng cũng xác định không thu hút đầu tư bằng mọi giá, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị, Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 08/4/2016 của Tỉnh ủy Hà Nam bảo đảm thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, ngoài các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ đối với các dự án vào KCN như ưu đãi về tiền thuê đất, thuế TNDN, thuế XNK,… tỉnh Hà Nam còn thực hiện nhất quán 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Đây cũng là hành động rõ ràng nhất của tỉnh để hướng tới mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp, thu hút những nhà đầu tư lớn, có chất lượng. Cụ thể, tỉnh Hà Nam cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ; bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn; Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí.
Cùng với đó, tỉnh cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp. Thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp như Korean Desk, Japan Desk,…
Trong thời gian qua, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thông qua 10 cam kết của tỉnh và những hỗ trợ tích cực khác đã được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao, tin tưởng và lựa chọn Hà Nam là điểm đến đầu tư.