Đây là những sự kiện trọng tâm của chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc, dấu mốc lớn trên chặng đường dài nhiều thành tựu trong hợp tác song phương.
Chung tay phục hồi sau đại dịch Covid-19
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN – điều được coi là có ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng các mối quan hệ song phương dựa trên những thành tựu trong quá khứ và theo đuổi tiến bộ mới. Ông Uông Văn Bân lưu ý, việc hai bên tổ chức các cuộc gặp trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cho thấy các nước coi trọng và đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong tình hình mới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Lào. |
Ông Chen Xiangmiao – trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia (Trung Quốc) nhận định, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác về chia sẻ vaccine để giúp khối này ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng.
Duy trì điểm sáng trong hợp tác kinh tế
Đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương là ưu tiên hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc. Hợp tác kinh tế – thương mại là điểm sáng trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1991 đến nay, với bước tiến quan trọng vào tháng 11/2002, hai bên ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện, tiền thân của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN – Trung Quốc. Năm 2010, Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đã được hình thành và đi vào hoạt động. Nhờ nỗ lực tăng cường hợp tác của cả hai bên, ACFTA đã trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ ba thế giới, và hai bên từng bước trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Về cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, cơ chế hợp tác tiểu vùng kiểu mới với sự tham vấn sâu sắc giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng kể. Cơ chế này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và xã hội của 6 quốc gia ven sông (Mekong – Lan Thương) và mang lại những lợi ích rõ rệt cho người dân.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi dịch Covid-19 và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, hợp tác Mekong – Lan Thương đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định kinh tế khu vực và giúp chống lại chủ nghĩa đơn phương.