Dù phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh và đối mặt với nhiều bất hạnh, thế nhưng, Phạm Thi vẫn có nghị lực đáng khâm phục khi sở hữu bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ cùng kinh nghiệm hoạt động Đoàn sôi nổi.
Gặp Phạm Thi tại quán cà phê vào một buổi chiều Hà Nội mưa tầm mưa tã, điều làm tôi ấn tượng ở cô gái này chính là vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt ngây thơ có chiếc má lúm đồng tiền duyên dáng và hơn hết là ánh mắt đượm buồn, xa xăm với những nỗi lo không tên.
Tất tả bước vào quán, cô bạn này đã nhoẻn miệng cười thân thiện và cho biết vừa đi dạy thêm về nên có đến muộn đôi chút. Từ tốn kể lại câu chuyện của mình với vẻ ngoài bẽn lẽn, ngượng nghịu, Phạm Thi làm tôi cảm phục trước nghị lực vượt qua hoàn cảnh sống khó khăn cũng như sự dai dẳng theo đuổi tri thức của mình.
Phạm Thi – Nữ sinh trường Báo vượt khó, học giỏi.
Là con út trong một gia đình nhà nông nghèo ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ nhỏ, Phạm Thi đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn của bản thân nên ngoài việc học tập trên trường, cô bạn vẫn thường giúp mẹ công việc đồng áng.
“Mặc dù cuộc sống luôn chất chứa những bộn bề lo toan, vất vả nhưng cha mẹ vẫn để ba chị em được đến trường với mong muốn cho các con có được cái chữ để cuộc sống trở nên ấm no, đầy đủ hơn.” – Thi bùi ngùi tâm sự.
Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn với cô bạn này khi người cha của Thi phải ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Kinh tế không đủ, hai người chị của Thi buộc phải nghỉ học giữa chừng để kiếm kế sinh nhai. Niềm hi vọng duy nhất lúc này của gia đình được đặt hết lên đôi vai nhỏ bé của Thi. Trước khi ra đi, người cha đã khuất có tâm niệm cuối cùng là mong cô con gái út được đỗ đạt vào một ngôi trường đại học, để con đường tương lai trở nên rộng mở hơn.
Để hiện thực hóa mong ước của người cha trước lúc đi xa, Thi vẫn không ngừng cố gắng trong học tập, rèn luyện. Bằng chứng là trong hai năm học lớp 10 và lớp 11, nữ sinh này đã giành được giải Ba môn Ngữ văn cấp tỉnh. Không chỉ học giỏi, Thi còn là một bí thư năng nổ, tham gia sôi nổi vào công tác đoàn đội của trường lớp. Năm học lớp 12, Thi đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luôn tâm niệm chỉ có con đường học tập mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi sự bủa vây của đói nghèo, cũng trong năm học lớp 12, Thi đã xuất sắc đỗ vào ngôi trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 24 điểm. Nhớ lại ngày nhận giấy báo nhập học, Thi vừa vui mừng nhưng cũng xen lẫn lo lắng.
“Sau khi thi đại học xong, vì bản thân chưa có bất kì nghiệp vụ gì nên em chọn làm công nhân trong một nhà máy ở Bình Dương để kiếm được phần nào, hay phần ấy, trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình . Biết tin đỗ đại học, em vừa mừng lại vừa lo bởi không biết những ngày tới, mình sẽ lấy đâu ra tiền để đóng học phí và sinh hoạt nơi Thủ đô đắt đỏ.” – Thi xúc động kể lại.
Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên sinh sống tại Hà Nội, Thi kể: “Lúc mới ra Hà Nội, qua lời giới thiệu của một vài người bạn cùng lớp, em quyết định đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí. Từ chạy bàn ở quán cơm, bán hàng quần áo cho đến đi trông trẻ, giúp việc ở cửa hàng hoa và giờ đây là gia sư và cộng tác viên viết bài cho một số trang tin. Bởi em tâm niệm, chỉ cần có đủ tiền để tiếp tục đi học thì khó khăn như thế nào bản thân cũng nhất định phải vượt qua.”
Dạy thêm vào tất cả các buổi tối nhưng khi về nhà, Thi vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi ban đêm để viết thêm bài cho một số trang tin. Nhờ miệt mài lao động, cô bạn này cũng kiếm được từ 1,5 – 2 triệu đồng/ tháng. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng đủ để Thi trang trải phần nào chi phí sinh hoạt và gửi về quê để mẹ bớt vất vả hơn.
Hai chị gái lớn đã đi lấy chồng, Thi canh cánh nỗi lo: “Một mình mẹ phải lam lũ, vất vả với hai sào ruộng thường xuyên mất mùa. Căn nhà ọp ẹp làm em bất an mỗi khi đài báo mưa to, gió lớn. Nhiều hôm đến lớp bụng đói cồn cào nhưng em chẳng dám ăn gì vì còn phải tiết kiệm tiền để gửi về cho mẹ trả nợ số tiền đã vay từ thời bố ốm.”
Dù phải tất bật với công việc làm thêm nhưng không vì thế mà Phạm Thi xao nhãng học tập. 5 kỳ liên tiếp, Phạm Thi nhận được học bổng của nhà trường. Mới đây, cô bạn còn giành được học bổng Sóng trẻ và là sinh viên duy nhất của khoa Phát thanh – Truyền hình nhận được học bổng “Nguyễn Thái Bình – Vườn ươm nhân tài”.
Hỏi về bí quyết học tập, Thi khiêm tốn: “Ngoài buổi học chính trên lớp thì lịch làm thêm của em đều dày đặc. Vì thế, em thường mang sách đến chỗ làm và rảnh lúc nào thì coi bài lúc ấy. Cuối tuần, em cũng thường lên thư viện để mượn một số sách chuyên ngành, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết trong chặng hành trình theo đuổi nghề báo.”
Chia sẻ về động lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống, Thi tâm sự: “Mỗi người sẽ có cho mình một câu chuyện và cách để chúng ta vượt qua mọi khó khăn chính là niềm tin. Em luôn tin rằng, những gì bản thân cố gắng rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Với em, đơn giản cố gắng là để có một tương lai tốt hơn, để có thể xây lại cho mẹ căn nhà không còn dột nát mỗi lần mưa bão.”
Khi được hỏi về quyết định lựa chọn nghề báo – một nghề ẩn chứa nhiều khó khăn, nguy hiểm khi bản thân còn là phái yếu, Phạm Thi chia sẻ: “Khi chọn trường Báo, em chỉ nghĩ đơn giản nghề này có thể giúp đỡ được nhiều mảnh đời khó khăn và hơn hết là giúp mình thoát khỏi cái bóng của sự nghèo khổ.”
“Hơn 3 năm qua, nghề báo đã cho em những trải nghiệm thú vị, cho em khóc cười với những mảnh đời trong cuộc sống. Và hơn hết, nghề báo cho em sự trưởng thành qua cả suy nghĩ lẫn lối sống.” – Thi đầy tự hào tâm sự.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, cô bạn cho biết bản thân vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi nghề báo để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, được đi đến những vùng đất mới, gặp gỡ và tạo dựng được nhiều mối quan hệ. Và hơn hết là để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người cha đã khuất, giúp đỡ mẹ có một cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Ước mơ trở thành nhà báo vẫn còn đó nhưng tôi tin rằng, với nghị lực phi thường cùng sự cố gắng không biết mệt mỏi ở thời điểm hiện tại, mục tiêu ấy dường như không quá xa vời với Phạm Thi – nữ sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Tiến Dũng
Theo TCĐNA