Ngoại trưởng Mỹ đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á sau chặng dừng chân tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài từ 18 – 19/3, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Giải quyết căng thẳng Đông Bắc Á
Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Rex Tillerson lặng lẽ hơn những người tiền nhiệm khi vắng bóng đoàn nhà báo ngoại giao nhưng được đánh giá là trọng yếu trong bối cảnh hiện tại nhất là khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phê phán Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, cáo buộc Hàn Quốc “nhờ vả” Mỹ và Nhật Bản “thao túng tiền tệ”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Ngoại trưởng Mỹ phải đối mặt với một bài toán thách thức là điều hướng mối quan hệ đang căng thẳng giữa các quốc gia Đông Bắc Á để cùng nhau hợp tác đối phó Triều Tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều mâu thuẫn chính trị gốc rễ từ thời Thế chiến thứ hai. Mỹ trong khi vừa phải cam kết ủng hộ đồng minh Hàn Quốc cũng sẽ phải hỗ trợ Nhật Bản đối phó với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, trọng tâm bàn thảo là vấn đề CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp trừng phạt. Cả hai nước đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của Bình Nhưỡng; đồng thời là đồng minh quân sự và có binh sĩ Mỹ đồn trú. Nhấn mạnh trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida tại Tokyo hôm 15/3, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hai thập kỷ cố gắng ngăn chặn tham vọng hạt nhân Triều Tiên không có tác dụng, do đó cần một hướng tiếp cận mới.
“Bài toán” Trung Quốc
“Bài toán” phức tạp nhất trong đối sách ngoại giao với châu Á được Ngoại trưởng Mỹ ưu tiên giải quyết ở phần cuối của chuyến công du. Sứ mệnh của ông Tillerson là gây sức ép để Trung Quốc tăng cường xử lý nguy cơ của chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, đồng thời phải tìm cách “xoa dịu” Bắc Kinh khi Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ pên lửa pầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải tìm cách điều chỉnh mối quan hệ Mỹ – Trung trong bối cảnh Bắc Kinh đang không ngần ngại trả đũa Hàn Quốc vì vấn đề THAAD. Thậm chí người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn lên tiếng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp mới nhằm duy trì các lợi ích an ninh của mình. Không những vậy, mối quan hệ “nóng – lạnh” bất thường giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất cũng khiến tiến trình đàm phán trong khu vực gặp phải rào cản.
Ngoài nhiệm vụ thuyết phục Trung Quốc ủng hộ nỗ lực kiềm chế CHDCND Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ còn phải tìm lời giải cho những vấn đề tồn tại lâu nay trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh bao gồm tranh chấp trên Biển Đông hay thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Tillerson có thể khó hoàn thành khi trước khi ông có mặt tại Bắc Kinh, Thượng nghị sỹ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật về việc trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các hành động đe dọa an ninh và thương mại khu vực của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hai nghị sĩ này đề xuất trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia những hoạt động bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế của Bắc Kinh trên 2 vùng biển này. Chưa rõ ông Tillerson có tìm được lời giải cho “bài toán” Trung Quốc hay không nhưng dự luật này là một lời cảnh báo với Bắc Kinh rằng Mỹ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Tú Anh
Theo KTĐT