Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chiều 28/5, khi được hỏi về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ở Đà Nẵng cuối tháng 6, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị điều chỉnh thời điểm tổ chức hội nghị vào cuối tháng 6 do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức hội nghị và đang tham vấn với các nước thành viên ASEAN để đảm bảo hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp.
* Liên quan tới câu hỏi liệu công dân Trung Quốc đại lục có hộ chiếu phổ thông từ ngày 1/7 đã được xin thị thực nhập cảnh đến Việt Nam hay chưa, khi ngày 1/7 Việt Nam sẽ tiếp tục xét thị thực điện tử cho công dân 80 nước, trong đó có áp dụng với công dân Trung Quốc, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2019, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Việc ban hành nghị quyết này nhằm triển khai chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, đối ngoại và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Khi được hỏi về những biện pháp của Việt Nam để thu hút làn sóng sau khi dịch COVID-19 kết thúc, ông Việt cho biết, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng COVID-19 như sau: Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics…; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch.
Thùy Dung