Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn quốc xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông làm chết 203 người , làm bị thương 417 người .
Trong đó đường bộ xảy ra 360 vụ làm chết 197 người, làm bị thương 406 người, so với cùng kỳ 2016 tăng 81 vụ (29%), tăng 18 người chết (10%), tăng 135 người bị thương (50%); đường sắt: xảy ra 8 vụ làm chết 6 người, làm bị thương 11 người, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 vụ (60%) tăng 3 người chết (100%), tăng 7 người bị thương (tăng 175%); đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông
So sánh số liệu TNGT 7 ngày nghỉ tết Bính Thân với 7 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 6/2/2016 – 12/2/2016) tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5%), tăng 142 bị thương (48%). So sánh số liệu TNGT bình quân 1 ngày của dịp nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 với số liệu bình quân 1 ngày dịp nghỉ Tết Bính Thân 2016 cho thấy: số vụ tăng 7,3 vụ/ngày, bằng +16%; tăng 21,6 người bị thương/ngày, bằng +51%; giảm 4,33 người chết/ngày, tương đương -13%. ( Số liệu tổng hợp về TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân 2016, tính từ 5/2/2016 đến 14/2/2016, cả nước xẩy 408 vụ TNGT, làm chết 300 người, bị thương 380 người).
Hiện trường vụ tai nạn ở Uông Bí.
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 4 vụ, làm chết 10 người, làm bị thương 34 người (xảy ra tại Quảng Ninh, Long An, Lâm Đồng, Đồng Nai) so với Tết năm 2016 tăng 2 vụ, tăng 4 người chết, tăng 30 người bị thương.
Các địa phương có số người chết tăng là: An Giang, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắc, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hòa Bình, Long An, Yên Bái và Vĩnh Phúc. Đáng chú ý là Đồng Tháp tăng 11 vụ, tăng 07 người chết và tăng 10 người bị thương. Có 05 địa phương không xảy ra tai nạn giao thông: Bắc Ninh, Cao Bằng, Kom Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai.
Đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Cần Thơ: Xảy ra 02 vụ, làm chết 03 người; so với Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, giảm 01 vụ (02/03 vụ), số người chết không tăng không giảm (03/03 người), giảm 01 người bị thương (0/01 người). Đà Nẵng: Xảy ra 02 vụ, làm chết 01 người, bị thương 01 người; so với Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, tăng 01 vụ (02/01 vụ), tăng 01 người chết (01/0 người), số người bị thương không tăng không giảm (01/01 người). Hà Nội: Xảy ra 09 vụ, làm chết 09 người, bị thương 05 người; so với Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, số vụ không tăng không giảm, giảm 04 người chết (09/13 người), giảm 06 người bị thương (05/11 người). Hải Phòng: Xảy ra 02 vụ, làm chết 04 người, bị thương 02 người; so với Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, số vụ không tăng không giảm, tăng 02 người chết (04/02 người), tăng 02 người bị thương (02/0 người). Thành phố Hồ Chí Minh: Xảy ra 25 vụ, làm chết 02 người, bị thương 26 người; so với Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, giảm 08 vụ (25/33 vụ), giảm 03 người chết (02/05 người), giảm 07 người bị thương (26/33 người).Trên các tuyến đường bộ cao tốc không xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về người; trên Quốc lộ 1 xảy ra 38 vụ làm chết 20 người, làm bị thương 38 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết tính từ 7 giờ sáng ngày 26/01/2016 đến 7 giờ sáng ngày 01/02/2017 Tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 36,843 trường hợp (tăng nhẹ so với 6 ngày Tết Bính Thân 2016 là 36.330 trường hợp (Tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến hoặc 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện).
Trong đó có 11.268 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú,và 2.881 trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 172 trường hợp (so với 6 ngày Tết Bính Thân 2016 là 175 trường hợp.
Ghi nhận một vụ tai nạn nghiêm trọng do lật xe ô tô gần chùa Ba Vàng – Quảng Ninh vào hồi 8 giờ sáng ngày 3 Tết.Trên xe có 29 người: 2 người chết, 27 người bị thương được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ điển Uông Bí, 4 bệnh nhân đã xuất viện, 22 bệnh nhân đang điều trị ổn định tại bệnh viện.
Các tỉnh có số khám, cấp cứu tai nạn giao thông cao là Kiên Giang (2.249), Đồng Nai (1.546), An Giang (1.211), Đồng Tháp (1.177), Tiền Giang (1.169), Sóc Trăng (1.123), TP. Hồ Chí Minh (1.117), Long An (1.085), Nghệ An (1.056).
Trong 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông đồng thời do người dân cũng chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước; mặc dù có xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường chính ra vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã ứng trực, xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại, không để ùn tắc kéo dài nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tại 127 vị trí (BRT 44 vị trí, thường xuyên và tại các bến xe 83 vị trí), huy động 204 lượt thanh tra/ca chốt trực.
Cao điểm 2 ngày trước Tết, các tuyến đường trục chính ra vào thành phố Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, đường Xuân Thủy – Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông nên xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe. Tương tự như các tuyến ra vào thủ đô Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây, tỉnh Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Miền Bắc như quốc lộ 1, 51, 22, 13, 14 xảy ra ùn tắc cục bộ. Chiều ngày 31/01/2016 tuyến cao tốc Ninh Bình-Cầu Giẽ-Pháp Vân và đường trên cao từ đầu cao tốc Pháp Vân đến đường Phạm Hùng bị ùn tắc kéo dài do xảy ra 1 vụ va trạm giao thông và mật độ phương tiện rất cao. Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo mở trạm không thu phí; sau đó đơn vị khai thác đã tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán… giúp giải tỏa thông đường.
Trong những ngày tết, tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua đoạn có các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm so với các ngày thường. Tuy nhiên, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (26/01 – 01/02/2017), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ toàn quốc đã kiểm tra xử lý 17.636 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 6 tỷ 877 triệu đồng, tạm giữ 184 xe ô tô, 3.781 xe mô tô, tước 783 GPLX so với cùng kỳ tăng 2.910 trường hợp (19,7%), tăng 721 triệu đồng. Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra xử lý 851 trường hợp, phạt 283,5 triệu đồng tăng 595 trường hợp tăng 655 triệu đồng.Trên tuyến cao tốc: xử lý 19 trường hợp, nộp kho bạc 42,8 triệu đồng tước 2 GPLX.
Cũng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, số lượt phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số 250 lượt gọi/7 ngày; Các cuộc gọi chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 25-26/1/2017 (ngày 28 và 29 Tết) và ngày 30/01-1/02/2017 (mùng 4 và mùng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).
Như Hương
Theo TCĐNA