Đánh giá của UBND tỉnh cho rằng, du lịch giảm sút liên tục, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Thực tế cho thấy, tổng lượng khách lưu trú năm 2015 giảm 3,75% so với năm trước, trong đó khách quốc tế giảm 2,1%; lượt khách trong nước giảm 2,7%. Con số ấy cho thấy môi trường du lịch của tỉnh chưa có sức hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Trong nhiều cuộc họp bàn về giải pháp phát triển ngành du lịch, nhiều giám đốc trong Hiệp hội Du lịch của tỉnh cho rằng, khách du lịch lưu trú tại Huế ngắn ngày vì Huế chưa thực sự hấp dẫn, các sản phẩm du lịch nghèo nàn. Hệ thống sản phẩm du lịch là văn hoá- di sản chậm đổi mới chất lượng nên dẫn đến bảo hoà…
Một hình ảnh tại Festival Huế 2014. (Ảnh: Đăng Hậu)
Trả lời với báo giới gần đây, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, muốn du khách đến Thừa Thiên Huế nhiều hơn, ngoài các giải pháp quảng bá, tổ chức các trang web, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước, Thừa Thiên Huế cần tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm đặc trưng để phục vụ du khách. Ví dụ khách muốn lên núi phải chỉ dẫn họ tham quan Bạch Mã hay hướng dẫn họ tham quan các di tích đền chùa, thiền viện nổi tiếng ở Phú Lộc. Bất cứ đâu, ngành du lịch cũng phải bảo đảm các phương tiện vận chuyển đến nơi mua sắm, ăn uống, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức để các doanh nghiệp cung cấp tất cả các dịch vụ trên tiêu chí sản phẩm du lịch hướng đến chất lượng và đẳng cấp…
Những điều mà lãnh đạo tỉnh nêu ra nó được lặp đi lặp lại trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch. Tiếc rằng trong thực tiễn nó hoàn toàn không được như vậy. Xin đơn cử rằng, nhiều du khách tỏ ra thất vọng khi đến tham quan danh thắng Bạch Mã. Ở đó họ chỉ được leo dốc nhìn cây cối , chim muôn chứ chẳng có một loại hình dịch vụ gì. Nơi đây, có hơn 120 cái biệt thự có từ thời Pháp thuộc qua nhiều năm không được con người chăm sóc đã đổ nát theo thời gian, ẩn khuất dưới tán rừng nhìn rất phản cảm. Rồi một thời tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới nhiều biệt thự nhà nghỉ nhưng rồi do không có khách lưu trú những nhà nghỉ này cũng trở nên hoang lạnh. Điện thì chập chờn , nước thì khi có khi không và những ngôi biệt thự đó xuống cấp theo thời gian. Nhiều du khách nhận xét rằng so với Bà Nà của thành phố Đà Nẵng Bạch Mã có hơn về thảm rừng tự nhiên với nhiều chủng loại cây quý hiếm còn nếu so sánh về các loại hình dịch vụ phục vụ du khách khám phá và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí thì Bạch Mã hầu như chẳng có gì.
Thừa Thiên Huế nhiều lần lập dự án khai thác điểm du lịch độc đáo của Bạch Mã. Giới kinh doanh du lịch thường phong cho Bạch Mã là “Một Đà Lạt giữa miền Trung”. Thế nhưng hàng chục năm qua Bạch Mã như một nàng tiên còn ngái ngủ khiến du khách có tò mò đến mấy cũng chỉ đến một lần cho biết!
Thừa Thiên Huế cũng từng nêu một thế mạnh về du lịch khác mà chỉ có Huế là có điều kiện tổ chức hình thành tour du lịch này. Đó là loại hình du lịch chữa bệnh – một loại hình du lịch không còn mới nhưng rất hấp dẫn du khách. Ai cũng nói rằng Huế có nền y học cổ truyền lâu đời với nhiều lương dược, lương y danh tiếng. Liệu pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc, bấm huyệt, châm cứu đã được du khách trong nước biết đến. Huế hiện có các điểm chữa bệnh cổ truyền có uy tín. Ngoài các cơ sở chữa bệnh theo y học cổ truyền của Nhà nước tỉnh có các cơ sở chữa bệnh của các thầy nhà Phật như: Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa , Tuệ Tĩnh đường Hải Đức thu hút nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh. Du lịch nghỉ dưỡng cũng là một thế mạnh mà ở các hội nghị bàn về du lịch được nhiều người từng đề cập cần tổ chức tốt loại hình này. Có thể kể đó là khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An cách Huế chưa đầy 5km; Khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh nước khoáng nóng Thanh Tân cách Huế chừng 35km. Trong một lần về làm việc tại Thừa Thiên Huế , Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để khai thác mạnh loại hình du lịch KCB bởi đây là xu hướng phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao mà các nước trong khu vực đã làm như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc. Với Thừa Thiên Huế triển khai loại hình du lịch này đang trong tầm tay vì có đủ nguồn nhân lực, vật lực, có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi . Đáng tiếc là vấn đề này được nêu ra từ lâu nhưng chưa có một đề án nào triển khai thực hiện. Điều đáng tiếc là những khu du lịch nghỉ dưỡng nêu trên đã “bị bán” cho các đối tác ngoài tỉnh và chưa biết người mua sử dụng nó như thế nào!
Thừa Thiên Huế từng tự hào có dòng sông Hương thơ mộng nhưng dòng sông đang vẩn đục do nạn khai thác cát trái phép ở đầu nguồn. Nói như Giáo sư Peter Kelly người Phần Lan trong câu trả lời phỏng vấn trên báo Thừa Thiên Huế là ông có cảm giác rất mạnh với dòng sông Hương khi đến Huế. Ông nói, khi đứng bên bờ sông tôi ngửi được “mùi thơm” thật lạ. Vì sao du lịch Huế không nghỉ ngay một tour , trong đó có những câu chuyện gắn với “ hương thơm” của dòng sông. Huế cần làm nổi bật yếu tố “hương thơm” của dòng sông để “mê hoặc” du khách một cách điệu nghệ và độc đáo.
Bên bờ sônh Hương có nhiều khách sạn đã đi vào thơ ca huyền thoại rất hấp dẫn mà không dễ gì địa phương nào trong khu vực có được. Đáng buồn là các địa chỉ vàng này cũng đã “bị Bán” đi cả rồi. Các tuyến đường nên thơ như Lý Thường Kiệt với gần chục ngôi biệt thự của Pháp xây dựng rất hài hoà ; tuyến đường Lê Lợi với 3 khách sạn ven sông nổi tiếng một thời như Hương Giang, Century, 5 Lê Lợi, 2 Lê Lợi cũng đã sang nhượng chuyển chủ; nhà hàng , khách sạn trên tuyến đường Hùng Vương dọc theo tầm nhìn từ cầu Trường Tiền cũng đã được bán…Người Huế thắc mắc rằng những địa thế vàng thuận lợi trong kinh doanh du lịch của tỉnh không hiểu sao bị bán hết . Bán thì cũng được nhưng nhiều cơ sở đất đai , khách sạn sau khi chuyển nhượng nó vẫn nằm im , bỏ đất hoang , có nơi xây lên nham nhở rồi để đấy gần chục năm qua không ai ngó ngàng tới , Khi các cơ sở hạ tầng du lịch đã sang nhượng đổi chủ thì vấn đề nguồn nhân lực bắt đầu xáo trộn . Cán bộ du lịch không yên tâm đã dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác , nhiều cán bộ giỏi bỏ việc ra kinh doanh riêng . Nhiều cán bộ trong ngành du lịch than thở là , hạ tầng du lịch và nguồn cán bộ của ngành hiện đang trong sự biến động khi các cơ sở du lịch đã thay chủ mới, thậm chí có nơi ông chủ thay đổi hai ba lần , nhân viên cấp dưới thấy không mấy yên tâm trong công việc hiện tại vì hôm nay làm việc này ngày mai có thể làm việc khác .
Hoạt động kinh doanh lĩnh vực lữ hành là một trong những khâu then chốt nhằm quảng bá và xây dựng tour du lịch đến với du khách . Thừa Thiên Huế hiện có gần 40 đơn vị và chi nhánh hoạt động kinh doanh lĩnh vực lữ hành . Trên thực tế , số lượng các công ty lữ hành nhỏ lẻ không đủ chuẩn hoạt động tràn lan , chưa xây dựng được tour,tuyến hấp dẫn nên không thể kết nối các tuyến du lịch khép kín trên địa bàn . Từ đó rất dễ nhận thấy là Huế còn phụ thuộc vào các hãng lữ hành lớn trong nước nên du khách chỉ ghé Huế trong thời gian ngắn rồi vào Đà Nẵng theo hành trình của tour . Thời gian gần đây du khách Hàn Quốc đến Huế tăng mạnh nhưng là lượng khách nối tour từ các hãng lữ hành ở Đà Nẵng .
Du lịch – dịch vụ được Thừa Thiên Huế xác định là thế mạnh mũi nhọn của tỉnh từ hơn 15 năm trước , thế nhưng bao nhiêu năm qua thế mạnh này vẫn dẫm chân tại chỗ. Để biến tiềm năng du lịch thành hiện thực , Thừa Thiên Huế cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong đầu tư , hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực , liên kết với các tỉnh lân cận bằng những đề án cụ thể như Đà Nẵng , Quảng Nam , Quảng Bình , Quảng Trị trong hoạt động kinh doanh du lịch chứ không phải ở những cuộc hội nghị hội thảo mang tính ngoại giao.
CHIẾN HỮU