Đài Loan đang xây dựng 4 cấu trúc kiên cố trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông đưa tin hôm 20/9.
Trong khi đó, tờ China Times của Đài Loan cho rằng các cấu trúc bê-tông này dường như là tháp lô cốt phòng không. Chúng được phát hiện qua các hình ảnh vệ tinh gần đây của Google Earth. Hình ảnh bản đồ chụp bằng vệ tinh hồi tháng 1/2015 không có các tháp này.
Theo SCMP, mỗi cấu trúc cao tương đương tòa nhà 3-4 tầng, được xây trên bờ biển phía Tây đảo Ba Bình, bao quanh một cấu trúc hình tròn vẫn đang trong quá trình xây dựng. Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Phùng Thế Khoan hôm 20-9 từ chối tiết lộ mục đích của công trình trái phép này. “Chúng tôi không tiện hé lộ bất cứ cơ sở quân sự nào chúng tôi đang thiết lập trên đảo Ba Bình cũng như mục đích của chúng bởi tất cả đều được coi là bí mật” – ông Phùng nói với báo giới sau phiên họp của cơ quan lập pháp Đài Loan.
Thậm chí, cơ quan nói trên hôm 21/9 còn yêu cầu Google xóa hoặc làm mờ các công trình để bảo đảm bí mật quân sự. Trong khi đó, nghị sĩ Quốc dân Đảng Giang Khải Trần tiết lộ ông đã thấy các công trình này từ chuyến đi gần nhất hồi tháng 7 sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Các cấu trúc do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình của Việt Nam. Ảnh: Google Earth
Trong một diễn biến khác, trang phân tích an ninh quốc phòng IHS Jane’s 36 (Anh) hôm 21-9 tiết lộ một phái đoàn gồm 5 quan chức hải quân cấp cao của Indonesia đang tới Mỹ để thăm dò khả năng “chen chân” vào chương trình Hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài (FMF) của Washington nhằm nâng cấp một căn cứ hải quân ở biển Đông. Jakarta đang trong quá trình nâng cấp các cơ sở hải quân ở Ranai, thủ phủ của quần đảo Natuna, nhằm tăng cường triển khai tàu ở khu vực biển Đông.
Biển Đông cũng là vấn đề khiến vị tân tổng thống vốn “mạnh miệng” với Mỹ của Philippines bất ngờ đổi giọng. Hôm 20/9, ông Rodrigo Duterte bất ngờ nói sẽ không yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự khỏi hòn đảo Mindanao (như tuyên bố hôm 12-9), đồng thời nhấn mạnh Manila cần Washington ở biển Đông. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho biển Đông vị trí quan trọng trong bài phát biểu cuối cùng trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách là tổng thống Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dưới sự bảo trợ của luật pháp sẽ đem lại sự ổn định lớn hơn so với việc quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô.
Thu Hằng
Theo Báo Người lao động