Làng quê An Truyền nằm bên chân sóng phá Tam Giang thuộc xã Phú An , huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người ta hay gọi cái tên thân thuộc về ngôi làng này với cái tên gọn hơn là làng Chuồn.
“Vì răng tên gọi làng Chuồn / Bởi vì nơi nớ cá Chuồng tuyệt ngon / Cá kho xơ mít trộn thơm / Ăn no cành bụng chết cơm mấy nồi…” Có người nói, tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử trên 500 năm. Cách Huế 10km, làng Chuồn nổi tiếng với nghề nấu bánh chưng, bánh tét, nấu rượu gạo và món ăn đặc sản bánh khoái cá kình… Rượu gạo làng Chuồn nổi tiếng đến mức Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần rong chơi trên phá Tam Giang và nhâm nhi rượu làng Chuồn ông có nhận xét rằng : “Được…được.” Người dân làng Chuồn rất tự hào khi lan truyền câu chuyện “ danh trấn giang hồ” thẩm định rượu Văn Cao đã chấm được cái mùi vị của rượu làng Chuồn . Cho nên khi nhắc đến làng An Truyền là người ta nghĩ đến rượu làng Chuồn , bánh tét làng Chuồn, bánh khoái cá kình làng Chuồn…
Em Hồ Đắc Thanh Chương,nhà vô địch Olympia 2016 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Phòng GD huyện Phú Vang
Nhận định về truyền thống nghề của làng này , ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nay là Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh nhấn mạnh ý nghĩa của việc giữ nghề của làng Chuồn .Đó là ngoài việc xây dựng thương hiệu nghề để trang trải cho cuộc sống , họ còn biết lấy nghề để nuôi chữ . Nuôi chữ được chứng minh là nhiều gia đình tuy cuộc sống còn nghèo nhưng rất coi trọng việc chăm lo chuyện học hành cho con cái đến nơi đến chốn . Nhờ vậy mà làng An Truyền nỗi danh là miền đất học .
Hằng năm , vào mùa thi đại học hay lễ tốt nghiệp ra trường làng Chuồn luôn tạo ra “ cơn sốt mùa thi ”. Năm 2013 , làng Chuồn có 32 em đỗ vào các trường đại học ; năm2014, có 40 em ; năm 2015, 45 em dự thi đỗ 100% ; năm nay làng có 35 em đi thi thì có 32 đỗ vào các trường đại học , nhiều em đỗ vào Trường đại học Y Dược .
Lệ thường, vào độ Thu tế hằng năm tại đình làng An Truyền, một buổi lễ long trọng do Ban khuyến học của Hội đồng hương An Truyền ở Thừa Thiên Huế về tổ chức nhằm tôn vinh và phát thưởng cho các em có thành tích trong học tập và thi cử . Những ngày đầu tháng 9-2016 này , làng Chuồn vui như ngày hội . Đường làng ngỏ xóm rợp cờ hoa đón chào 32 tân sinh viên và đặc biệt là vinh danh chúc mừng Nhà vô địch Olympia Hồ Đắc Thanh Chương , quê xóm 6 và 7 An Truyền về bái Tổ .
Ông Võ Đại Đề , Chủ tịch Hội đồng hương An Truyền tỉnh Thừa Thiên Huế phân tích : “ Xuất phát từ vùng đất hiếu học nổi tiếng từ thời cha ông , các thế hệ con em của làng dù công tác , học tập hay sinh sống ở đâu cũng luôn hướng về quê hương chăm lo họ hàng, làng quê yêu dấu . Từ truyền thống đó ngay sau giải phóng , An Truyền sớm thành lập hội đồng hương với mục đích hướng về cội nguồn đoàn kết giúp đỡ nhau bằng những việc làm tình nghĩa , chăm lo cho người nghèo , người già neo đơn , trẻ em tàn tật ở làng . Hoạt động ban đầu như là ngòi lửa châm ngòi , một thời gian cũng làm được một số việc. Nhưng rồi những năm khó khăn về kinh tế, hoạt động của hội như có vẻ rời rạc, ít mang lại hiệu quả , có lúc hình như không có hoạt động gì đáng kể , ai cũng lay hoay với cuộc sống trước bộn bề khó khăn . Sau này, khi đất nước chuyển mình đổi mới ,làng quê An Truyền dần có những đổi thay . Từ một làng quê nghèo , dân làng biết dựa vào các nghề truyền thống , tạo được thương hiệu , đáng chú ý là nghề gói bánh tét. Cứ vào độ tháng Chạp, cả làng thức đêm để nấu bánh . Bánh tét làng Chuồn theo chân những cô gái mang đi tiêu thụ từ thành phố Huế đến các tỉnh bạn Quảng Bình,Quảng Trị, Đà Nẵng, Thanh Nghệ Tĩnh… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân quê xứ Chuồn . Ngoài bánh tét còn có nghề làm bánh khoái cá kình , tranh trướng-liễn và rượu làng Chuồn . Ban đầu là nấu thủ công đến nay, sự có mặt của cơ sở sản xuất và chế biến rượu truyền thống đã làm phong phú thêm cho đặc sản địa phương . Nó không chỉ tăng giá trị thương hiệu mà còn giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn . Hiện làng có dòng rượu Ngự tửu cung đình với 2 sản phẩm nổi tiếng là HờangTriều Ngự tửu và Liên Hoa Huyết tửu đã đến với người tiêu dùng trong cả nước được các tổ chức y tế và các cơ quan quản lý và tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Ngô Hòa (Nguyên Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) trao quà cho tân SV làng An Truyền.
Ông Võ Đại Đề khẳng định, nhờ kinh tế phát triển , đời sống hội viên ổn định, công tác khuyến học, khuyến tài của Hội có điều kiện hoạt động trở lại. Năm 2007, Hội Đồng hương đã tiến hành kiện toàn công tác Khuyến học,Khuyến tài ; sáng lập thêm Câu lạc bộ Sinh viên An Truyền với những sinh viên tâm huyết , nhiệt tình trong hoạt động khuyến học . Hội và Câu lạc bộ Sinh viên nắm chắc chuyện học hành của con em trong làng , kịp thời giúp đỡ , tạo điều kiện cho các em trong học tập,thi cử . Hoạt động vinh danh sinh viên được tổ chức hằng năm có tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua học tập trong các khối lớp .
Còn nhớ , các năm gần đây, tại Đình làng An Truyền , Hội Đồng hương An Truyền Thừa Thiên Huế đã về tổ chức buổi lễ biểu dương khen thưởng trước bà con trong làng các em : Em Võ Sao Khuê (1981) hiện là Tiến sỹ công nghệ thông tin Đại học Khoa học Wien, Áo. Võ Thị Kim Thảo, thủ khoa đầu vào 2009 và thủ khoa đầu ra 2013 ngành Quốc tế học – Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, bảo vệ thành công đề cương nghiên cứu Luận án Tiến sĩ năm 2014, sinh năm 1991 – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ nhỏ tuổi nhất Đại học Huế – 22 tuổi. Hồ Thị Mỹ Hương – Thủ khoa đầu ra năm 2014 Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, học bổng trao đổi 3 tháng tại Mỹ và học bổng du học 1 năm tại Anh. Đoàn Quốc Hoài Nam – Giải nhất cấp tỉnh môn Hóa, Huy chương vàng giải Hóa bằng máy tính cầm tay cấp Quốc gia, giải nhì môn Hóa cấp quốc gia, 1 trong 4 đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic hóa học quốc tế năm 2014 và đã giành Huy chương bạc. Tôn Thất Ái Đăng – Giải nhất môn Lý cấp tỉnh, Giải nhì môn Lý Quốc gia (không có giải nhất), được chuyển thẳng đại học, học bổng du học tại Mỹ. Hồ Đoàn Hiếu Long – Thủ khoa đầu vào Khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Kinh tế Huế. Hồ Thị Bích Ngọc – Huy chương Vàng Giải vô địch quốc gia môn Teakondo. Đoàn Thị Lệ Hằng – Thủ khoa đầu ra năm 2014 ngành Hóa thực phẩm – Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đặng Văn Nhân – Thủ khoa ngành Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học, Đại học Huế. Phan Ý – Á khoa ngành Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế. Huỳnh Thị Ngọc Diệp – Tốt nghiệp Á khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế.
Và cứ vào mùa tuyển sinh đại học,Hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như Chương trình Tân sinh viên , phong trào thu đổi sách giáo khoa , hoạt động giao lưu học hỏi với các thế hệ đàn anh qua “ Chương trình Sinh viên hỏi các anh trả lời”. Luật sư Hồ Ngọc Đàn tư vấn hướng sinh viên vào trường luật ; Thầy Tôn Thất Viễn Bào nói về thế mạnh của việc học ngoại ngữ hoặc như con đường toán học đem lại cho sinh viên những gì ? Khoa Tài nguyên môi trường với điều nhức nhối hiện nay..,đó là những buổi giao lưu hữu ích cho các em trước ngưỡng cửa bước vào đại học.
Về An Truyền hỏi chuyện học hành của con em , người dân ai cũng thừa nhận rằng ngoài việc chăm lo của gia đình, sự nỗ lực học tập của các cháu thì hoạt động khuyến học của Hội đồng hương An Truyền tại tỉnh Thừa Thiên Huế có tác động mạnh và có sức lan toả, kích thích các cháu thi nhau học tập thật tốt . Người xưa có câu “ Một miếng giữa làng bằng sàn trong bếp”, chính những buổi biểu dương, khen thưởng các em học tập tốt tại đình làng , Hội đồng hương An Truyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp lửa thắp sáng ước mơ cho các cháu tạo nên một truyền thống tốt đẹp ở làng quê để đến bây giờ khi nhắc đến làng Chuồn-An Truyền là nhiều người nghĩ ngay đến làng hiếu học.
Chiến Hữu