Sáng 22/8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Với sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các bộ ngành, các nhà khoa học và lãnh đạo của các địa phương, ngày 28 tháng 6 năm 2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã phải thừa nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo tỉnh Quảng trị, lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì hội nghị
“Công ty đã công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, đồng thời cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD; cam kết khắc phục và không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng cho biết: Bộ TN&MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ – ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển, đồng thời tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy.
“Kết quả quan trắc, khảo sát, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển đã được Hội đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, thủy văn, địa hóa, hóa học và đại diện các Bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho ý kiến đánh giá, nhận xét góp ý” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đại diện cho các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh miền Trung” báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích biển, các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường; các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận thống nhất nhận định về mức độ, phạm vi an toàn của môi trường biển, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan truyền thông sẽ thông tin một cách rộng rãi, minh bạch, khách quan tới người dân.
“Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản an toàn chưa? để đảm bảo hoạt động sản xuất, đánh bắt, sinh kế trở lại bình thường…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hội nghị đã dành khoảng 1 giờ đồng hồ đầu tiên để GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm trưởng nhóm chuyên gia do Bộ TN-MT huy động, báo cáo chung.
Theo GS.TS Nhuận, trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 8, đoàn các nhà khoa học đã tiến hành nhiều bước khảo sát, lấy mẫu bằng các phương pháp tiên tiến để lấy số liệu đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh miền trung. Có trường hợp, các nhà khoa học phải lặn biển để lấy mẫu…
Nhận định ban đầu của nhóm khoa học này là tại vùng biển các tỉnh miền Trung vào tháng 4, 5 bị tác động tiêu cực. Cụ thể, có nhiều rạn san hô chết trắng, hàm lượng các chất độc (fenol, cianua…) vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, các loại cá rạn san hô hầu như chết hết…
Nhận định ban đầu của nhóm khoa học này là tại vùng biển các tỉnh miền Trung vào tháng 4, 5 bị tác động tiêu cực. Cụ thể, có nhiều rạn san hô chết trắng, hàm lượng các chất độc (fenol, cianua…) vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, các loại cá rạn san hô hầu như chết hết…
Tuy nhiên, môi trường biển các tỉnh càng ngày càng tốt dần lên, cụ thể, theo kết quả của GS.TS Nhuận công bố thì đến tháng 7,8 hàm lượng các chất động trong nước đã giảm rất nhiều (có nơi giảm trên 90%) các rạn san hô đã không còn chết, độ che phủ tăng, các sinh vật bắt đầu xuất hiện trở lại… Hệ sinh thái biển đang được hồi phục dần.
Tại Hội nghị, chuyên gia người Đức TS. Schroe der – chuyên gia của viện công nghệ môi trường biển Đức tại hội nghị cho biết, kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao. Về hai thông số Xyanua và Phenol, chuyên gia cho rằng thông số Xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép của Việt Nam, thông số về phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể, riêng về độ an toàn của nước biển phục vụ cho việc bơi lội tại các bãi tắm thì có thể khẳng định đã an toàn.
Liên quan đến việc cá đã ăn được chưa, theo TS. Schroe der, dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là cá ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao
Ông cũng cho rằng sắp tới cũng cần gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến hơn để có kết quả đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá.
PV
Theo KTĐT