Tin tức về vụ đảo chính quân sự mới nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng trăm binh lính nổi dậy tiếm quyền ở Ankara và Istanbul cho thấy những mâu thuẫn nội bộ, đặc biệt là với lực lượng quân đội, bất đồng với vị tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Dưới thời ông Erdogan, Ankara nằm trong vòng vây đe dọa của đồng thời cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng người Kurd (đảng Công nhân người Kurd PKK), cùng lúc cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng Syria bước sang năm thứ 6 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi đầu tháng 6, ít nhất 11 người đã thiệt mạng khi một chiếc bom xe phát nổ tại trung tâm TP Istanbul. Hai tuần sau đó, một vụ đánh bom liều chết tại sân bay Quốc tế Istanbul khiến ít nhất 90người thiệt mạng cùng hơn 1.000 người bị thương.
Việc ông Erdogan dẫn dắt Ankara tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria, cùng với Mỹ đối nghịch với chính quyền Tổng thống nước này Bashar al-Assad khiến hai quốc gia thêm rạn nứt. Những xung đột với đảng PKK, sau một lệnh ngừng bắn kéo dài 2 năm lại trở nên phức tạp hơn.
Mâu thuẫn giữa Tổng thống với quân đội ngày càng gay gắt.
Thời gian gần đây, ông Erdogan đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Nga và chủ động “làm lành” với Israel. Với Nga, đó là hòa giải vụ máy bay Su-24 bị chiến đấu cơ Ankara bắn hạ. Với Israel là giải quyết mối thù địch vụ Hải quân Israel làm 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Palestine thiệt mạng khi đang tìm cách đến Dải Gaza.
Đầu tuần này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khiến phe nổi dậy Syria một phen bồn chồn khi tuyên bố Ankara sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Syria – đánh dấu một biến chuyển lớn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng, đây rõ ràng là chính sách “quay đầu lại bờ” của chính quyền ông Erdogan, “làm lành” với những quốc gia từng gây hấn vì lo sợ nền kinh tế đang chồng chất vấn đề sẽ không chịu được thêm áp lực căng thẳng chính trị. Nhưng những bước đi nhằm cứu vãn Thổ Nhĩ Kỳ khỏi cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và chính trị là hơi muộn.
Các nhà quan sát đã nhiều lần cảnh báo, vấn đề người Kurd của Ankara nếu diễn biến tồi tệ hơn, có khả năng biến thành một cuộc phản ứng quân sự, nhưng chưa đến mức là một cuộc đảo chính như ngày hôm nay.
“Quân đội sẽ hành động nếu xung đột giữa PKK và chính quyền tiếp tục gia tăng, hoặc nếu bạo lực tiếp diễn ở trung tâm đô thị phía tây nước này dẫn tới sụp đổ an ninh và gây ảnh hưởng tới kinh tế, hoặc nếu chính quyền tiếp tục ra những quyết định độc đoán thiếu lắng nghe người dân”, chuyên gia Gonul Tol chia sẻ với tờ Foreign Affairs trước đó.
“Những tình huống này đều có thể phát sinh các vụ bạo động chống chính phủ. Nếu ông Erdogan phản ứng cực đoan với việc điều động cảnh sát càn quét và gây đổ máu, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn kêu gọi hơn nữa sự tham gia của quân đội. Nguy hiểm hơn, lực lượng quân đội nước này có thể nhũng loạn chính trường thay vì chỉ thông qua các phương tiện quân sự để ép chính quyền từ nhiệm”, ông Gonul Tol phân tích.
Đáng mỉa mai, đầu tuần này, ông Erdogan vừa ký một dự luật cho phép quân lính Thổ không bị truy tố nếu tham gia vào các hoạt động an ninh trong nước. Dự luật này được xem là bước cải thiện trong quan hệ giữa chính quyền và quân đội, đóng vai trò quan trọng giải quyết xung đột ở những khu vực đông người Kurd.
Giả sử cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay thành công, sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ ngoại giao của nước này. Ankara vẫn là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong việc thể hiện tiếng nói của Washington ở khu vực Trung Đông.
Tú Anh
Theo KTĐT