Đây là hoạt động do Bảo tàng Văn hóa Huế phối hợp với hai nhà sưu tập cổ vật Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi) và Nguyễn Hữu Hoàng (Huế) tổ chức trưng bày với sự tài trợ của Công ty cổ phần An Dương.
Trưng bày chuyên đề “Cổ vật nghìn năm kể chuyện” giới thiệu đến công chúng kho tàng cổ vật Huế và các tỉnh miền Trung, một phần quan trọng của di sản văn hóa quốc gia. Từ những công cụ lao động sản xuất, trang sức, đồ tùy táng văn hóa cổ Sa Huỳnh cho đến đỉnh cao nghệ thuật tạo tác gốm sứ dưới các triều đại quân chủ Việt Nam.
Rìu đá, đá cuội, rìu đồng, vũ khi bằng đồng, dọi se chỉ bằng gốm, công cụ sản xuất có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 – 2.500 năm
Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế phát biểu tại buổi khai mạc: “Trưng bày chuyên đề “Cổ vật nghìn năm kể chuyện” là hoạt động thiết thực chào mừng Festival Huế 2016, góp phần tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa quốc gia, đồng thời tôn vinh những thành quả của các nhà sưu tập cổ vật trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá di sản văn hóa Huế và di sản văn hóa dân tộc”.
Trang sức: hạt chuỗi mã não, thủy tinh màu….
Mộ chum trong di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, làm bằng gốm, cao 47cm, đường kính 45cm, được dùng để cải táng, hỏa táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng.
Đồ dùng sinh hoạt của cư dân Sa Huỳnh gồm: Tô gốm, nồi, bình gốm hỏa táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng.
Nét tinh xảo của hoa văn thời Lý – Trần – Lê
Những cổ vật được trưng bày chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử, văn hóa được gửi gắm từ quá khứ, giúp công chúng hiểu được sự hình thành, phát triển, đời sống, những tập tục cổ xưa của cư dân Việt cổ; sự đa dạng, đặc sắc về mẫu mã, hoa văn, họa tiết trang trí, chất liệu men gốm đặc thù của không gian gốm thời Trần, Lê Sơ, đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và thời nhà Nguyễn.
Nhà sưu tập cổ vật Lâm Dũ Xênh (bên trái) đang giới thiệu với khách tham quan về cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế.
Thanh Thanh