Ngày 22/3, ba vụ nổ liên hoàn đã xảy ra tại ga tàu điện ngầm và sân bay tại Brussels khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 55 người bị thương một lần nữa làm dấy lên nỗi lo ngại, Bỉ đang trở thành “ổ” của những kẻ khủng bố tại châu Âu.
Chỉ trong một ngày, ba vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Brussels, chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ nghi phạm chính Salah Abdeslam trong cuộc tấn công khủng bố Paris vào năm ngoái. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom.
Xe cứu thương đưa nạn nhân của vụ nổ đến bệnh viện.
Giới chức Pháp và Bỉ đang phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì việc đã để nghi phạm khủng bố dễ dàng “qua mặt” an ninh tại biên giới Pháp – Bỉ để trốn sang Bỉ. Đồng thời, để mất dấu nghi phạm và 4 tháng sau mới bắt giữ được tên này. Loạt vụ nổ vừa xảy ra không khỏi khiến nhiều người liên hệ với thảm kịch khủng bố đã xảy ra ở thủ đô nước Pháp tháng 11 năm ngoái. Ngay cả khi mức cảnh báo khủng bố đã được giới chức nâng lên mức 4 – mức cao nhất tại nước này, người dân vẫn không khỏi hoang mang lo sợ Bỉ – với tình trạng an ninh lỏng lẻo – đang trở thành nơi khủng bố hoành hành. Và các vụ nổ xảy ra hôm 22/3 mới chỉ là sự khởi đầu.
Theo điều tra của cảnh sát, vụ tấn công khủng bố ở Paris được lên kế hoạch tại Bỉ, ngay tại nơi nghi phạm chính Salah Abdeslam sinh sống. Tuy nhiên, hoạt động của tên này lại không hề được cảnh sát Bỉ lưu ý. Hãng tin CNN (Mỹ) nhận định, thậm chí việc bắt được nghi phạm cũng là nhờ vào may mắn, sau các vụ bố ráp. Chỉ đến khi phát hiện ra hàng loạt tiếng súng khi đang khám xét nhà của nghi phạm này, cảnh sát mới kết luận, một kẻ khả nghi đang lẩn trốn ở đây.
Một khảo sát của hãng CNN đã cho thấy, Molenbeek – một địa điểm tập trung tầng lớp lao động của Brussels – đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” của hệ tư tưởng thánh chiến bạo lực. Nhiều người đã nhận được đe dọa từ những kẻ cực đoan tự xưng trực tiếp đến điện thoại di động, ngăn cấm họ cung cấp thông tin với giới truyền thông. Nguy hiểm hơn, các quan chức Bỉ đã không thể dập tắt dòng chảy của các chiến binh thánh chiến gia nhập IS. Ngay cả chính phủ nước này cũng lo sợ các chiến binh sẽ thực hiện một cuộc tấn công liên hoàn như đã xảy ra với Paris.
Thủ đô Brussels dường như là địa điểm thích hợp để tiến hành một cuộc tấn công khủng bố mới. Brussel cách không quá xa các TP lớn như Paris, Amsterdam (Hà Lan), Cologne, Strasbourg, Frankfurt, Berlin (Đức). Các con số thống kê cũng cho thấy, tính theo bình quân đầu người, Bỉ có số lượng các chiến binh nước ngoài ở Syria cao nhất trong các quốc gia Tây Âu. Khoảng 500 người, cả nam và nữ đã rời Bỉ sang Syria và Iraq kể từ năm 2012 để gia nhập IS. Đồng thời, hơn 100 người Bỉ đã trở về nhà từ các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng.
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cũng phải thừa nhận, lực lượng tuyển dụng của IS vẫn đang tiếp tục hoạt động dưới những lớp vỏ bọc hoàn hảo tại Bỉ. “Việc tuyển mộ lực lượng khủng bố tại Bỉ, mặc dù đã ở một mức độ thấp hơn nhiều so với 2 năm trước đây, nhưng vẫn đang diễn ra” – Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Bên cạnh đó, giới an ninh Bỉ cũng bị lên án bởi thái độ “ngó lơ” trước tình trạng càng nhiều người ở Bỉ đang tìm cách đến Syria để gia nhập IS. Ali – một người có em trai đã gia nhập IS và tử nạn tại Syria cho rằng, chính hành động thiếu trách nhiệm của an ninh nước này khiến cho chủ nghĩa khủng bố không thể ngăn chặn.
Lan Hương
Theo KTĐT