Tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND Thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và VCCI tổ chức tại Đà Nẵng sáng 25/9, ông Đặng Tất Thắng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho rằng nếu nói Việt Nam có lợi thế hiếm có để phát triển kinh tế biển, thì duyên hải miền Trung chính là khu vực minh chứng điển hình.
Chiến lược đầu tư vào những vùng đất tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết tầm của FLC tại duyên hải miền Trung đã phát huy hiệu quả, với minh chứng tiêu biểu là dự án quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quynhon Beach and Golf Resort tại tỉnh Bình Định. Xin ông cho biết ý nghĩa của dự án này đối với hoạt động của FLC nói chung, và kế hoạch mở rộng dự án sắp tới?
Nếu nói Việt Nam có lợi thế hiếm có để phát triển kinh tế biển, thì duyên hải miền Trung chính là khu vực minh chứng điển hình.
Nằm ở vị trí “mặt tiền” nhìn ra Biển Đông, lưng tựa núi, nhìn chung các địa phương này có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển tối ưu kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển đảo.
Tỉnh Bình Định không là ngoại lệ. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố về thiên nhiên, cảnh quan, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Tập đoàn FLC đã chọn thành phố Quy Nhơn là điểm đến tiếp theo cho chuỗi quần thể nghỉ dưỡng sinh thái năm sao của mình.
Cũng giống như hai dự án trước tại Vĩnh Phúc và Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn là quyết định đầu tư khiến chúng tôi cảm thấy tự hào.
Ông Đặng Tất Thắng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC
Nhiều kỷ lục đã được xác lập tại khu quần thể, như khách sạn FLC Luxury Hotel Quy Nhơn với chiều dài gần 1 km đã trở thành khách sạn dài nhất Việt Nam, được Asia Pacific Property Awards bình chọn là khách sạn có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam năm 2017. Khu sân golf FLC Quy Nhơn Golf Links 36 hố cũng đã lập kỷ lục thế giới về thi công nhanh, được Asia Golf Award bình chọn là sân golf mới đẹp nhất châu lục năm 2016.
Ngoài việc thu hút gần 500.000 lượt khách mỗi năm, đóng góp doanh thu ổn định cho Tập đoàn FLC, FLC Quy Nhơn cũng được xem là điểm sáng của du lịch Bình Định, tạo thêm gần 4.000 công ăn việc làm cho người dân địa phương, nâng tầm thương hiệu du lịch của tỉnh.
Thành công của giai đoạn 1 dự án là tiền đề để Tập đoàn FLC tiếp tục triển giai đoạn 2 trong năm 2017. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã khởi công xây dựng Khách sạn The Coastal Hill, với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, khách sạn với 1.500 phòng, tăng 150% công suất phục vụ cho FLC Quy Nhơn.
Cùng với đó, Tập đoàn FLC cũng đã lên kế hoạch và đang triển khai các thủ tục pháp lý, thiết kế để nhanh chóng mở rộng dự án lên quy mô 1300ha, tiếp tục xây dựng các hạng mục khác như bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, trường đại học quốc tế, các khu hành chính, nhà ở, các khu thương mại dịch vụ.
Theo mục tiêu chúng tôi đề ra, những tiện ích cao cấp này sẽ biến FLC Quy Nhơn nói riêng và khu đô thị Nhơn Hội nói chung trở thành trung tâm du lịch và khu đô thị mới tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung.
Tập đoàn FLC xem miền Trung và lợi thế lớn về du lịch biển đảo ở vị trí nào trong chiến lược đầu tư sắp tới? Đâu sẽ là điểm đến tiếp theo của FLC trong 9 tỉnh duyên hải miền Trung? Trên thực tế, ngoài 3 tỉnh thành đã phát huy hết các lợi thế như Nha Trang-Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quy Nhơn- Bình Định, thì 6 tỉnh còn lại (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế) chưa khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí gần biển và cảnh quan thiên nhiên.
Xét trên bình diện khu vực, tốc độ phát triển du lịch tại các tỉnh thành duyên hải miền Trung đang có độ chênh lớn, chưa thực sự “nắm chặt tay cùng đi lên”.
Ngoài những địa phương đã phát huy hiệu quả các lợi thế trời phú về cảnh quan, văn hóa lịch sử như đề cập, thì hầu như những tỉnh còn lại chưa thể phủ sóng đậm nét trên bản đồ du lịch cả nước, mặc dù cũng sở hữu cảnh quan không hề thua kém.
Với thực tế này, tôi cho rằng Tập đoàn FLC với chiến lược đầu tư tập trung khai thác du lịch biển đảo, đánh thức các vùng đất tiềm năng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, là hoàn toàn tương thích.
Hiện tại, Tập đoàn FLC đang tiếp tục mở rộng nhiều dự án tại các tỉnh miền Trung như giai đoạn 2 quần thể dự án FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort tại Thanh Hóa.
Tại Quy Nhơn là giai đoạn 2 FLC Quy Nhơn, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo Cù Lao Xanh với diện tích 120ha, tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng.
Tại Quảng Bình, dự án FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort đang được tiếp tục triển khai trên diện tích 1.924 ha, tổng mức đầu tư 8.400 tỷ đồng. Dự kiến các hạng mục đầu tiên là sân golf và khu nghỉ dưỡng sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2018.
Tại Nghệ An, Tập đoàn FLC đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để báo cáo phương án đầu tư dự án FLC Nghệ An Beach & Golf Resort rộng 460ha với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, bao gồm 24 hạng mục tiêu chuẩn quốc tế như sân golf 18 lỗ quy mô gần 100 ha; khu khách sạn và condotel từ 2.500 phòng; trung tâm Hội nghị quốc tế 1.500 chỗ; khu đô thị; công viên chủ đề và vườn thú tương tác; khu thể thao mạo hiểm và cắm trại…
Đối với một số tỉnh duyên hải miền Trung khác như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, FLC đều đã tiến hành khảo sát và đánh giá cao tiềm năng của các bãi biển, cảnh quan tự nhiên. Tuy nhiên, để chúng tôi có thể đi đến quyết định đầu tư, có hai tham số quan trọng cần được đảm bảo.
Đầu tiên là quỹ đất. Các dự án của FLC đều có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng – dịch vụ, nên quỹ đất triển khai dự án cần có diện tích 200 – 300 hecta. Mặt bằng “sạch” để triển khai dự án thuận lợi, không gây xáo trộn văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương.
Thứ hai là sự quyết tâm, đồng thuận của bộ máy chính quyền địa phương, để tạo điều kiện cho dự án được triển khai nhanh, đúng tiến độ đề ra.
Khi du lịch đã được xác định là ngành kinh tế trọng điểm của cả nước, thì nếu hai “điều kiện đủ” trên được đáp ứng, chúng tôi cam kết sẽ đầu tư, khai thác tối đa lợi thế địa phương, góp phần đưa du lịch miền Trung phát triển xứng tầm.
PV
Theo TCĐNA