Bắc Kinh ngang ngược xác nhận đưa vũ khí ra Biển Đông vào tuần qua. Trước diễn biến này, cộng đồng quốc tế không những lên tiếng phản đối mạnh mẽ mà còn bày tỏ sẵn sàng hành động trước những diễn biến tồi tệ hơn trong khu vực.
Dư luận thế giới tuần trước tiếp tục “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang ngược xác nhận đã đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi trang Fox News công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy xuất hiện bệ phóng tên lửa HQ-9 và radar ở đảo Phú Lâm, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy bệ phóng tên lửa và radar xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, do Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Quả thực, Trung Quốc đang tự gây mâu thuẫn với tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông trước đó của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh mẽ việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật ỷ mạnh hiếp yếu tại Biển Đông, rằng Trung Quốc đang xoay sang chiêu trò cũ là chân lý thuộc về kẻ mạnh, bất chấp luật pháp và các chuẩn mực quốc tế nhằm thiết lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp.
Những chiêu trò diễn cũ của Trung Quốc trong thời gian qua liên tục vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Tiếp tục tiến xa hơn, khả năng luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải sẽ không chỉ dừng lại ở lời nói.
Điều này được Washington và cộng đồng quốc tế lo lắng khi trong gần 4 tháng qua, Mỹ đã hai lần điều tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, và gần đây nhất là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Kể từ đó, Mỹ liên tục kêu gọi hành động tương tự từ các quốc gia khác. Phó Đô đốc Joseph Aucoin – một trong những nhân vật quyền lực nhất quân đội Mỹ trong chuyến thăm Australia ngày 22/2 đã kêu gọi Sydney xúc tiến tuần tra Biển Đông cùng Washington. Cuộc hội đàm cấp cao giữa ông với lãnh đạo quốc phòng nước chủ nhà nhằm thảo luận về mối quan ngại ngày càng tăng về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Bên cạnh đó, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nhật Bản cũng bị hủy bỏ trong bối cảnh căng thẳng này. Với những chỉ trích mạnh mẽ trước việc Trung Quốc cải tạo đất đá quy mô lớn ở Biển Đông kết hợp với lời kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên gần đây, Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe rõ ràng đã khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt trên trường quốc tế. Ngoài ra, các quốc gia khác đã không còn kiêng dè mà thẳng thắn khẳng định sẽ có lời đáp nếu Trung Quốc tiếp tục lấn lướt ở Biển Đông.
Đại diện Philippines ngày 21/2 khẳng định, quân đội nước này đã chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” trước những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Inquirer dẫn lời Phó đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) của quân đội Philippines rằng, dù chưa nâng mức độ báo động, các lực lượng vũ trang nước này “đang liên tục theo dõi các diễn biến”. WesCom có đại bản doanh ở Puerto Princesa, Thủ phủ của tỉnh Palawan, chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.
Những hành động “tráo trở” đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh sẽ ngày càng xói mòn lòng tin của thế giới, thể hiện một quốc gia không có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, một cách để Trung Quốc tự cô lập chính mình.
Tú Anh
Theo KTĐT