Ngày 15/1, tại Hội trường Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện Luật về Hội.
Tham gia hội thảo có PGS.TS Trịnh Đức Thảo – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. PGS.TS Nguyễn Viết Thảo- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Ngài Scott Ciment – Đại diện UNDP tại Việt Nam. PGS. TS Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế và đại diện của 18 tổ chức xã hội.
Tại hội thảo các tổ chức xã hội đã thảo luận về những ảnh hưởng của luật hiện hành đến khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội quan trọng của họ cho những người dễ bị tổn thương ở điạ phương. Tự do lập hội là một trong những quyền của công dân, tuy nhiên nhiều kẽ hở pháp lý liên quan đến các tổ chức xã hội ở Việt Nam vẫn còn tồn tại. Vì vậy sự cần thiết của một Luật mới về Hội là rõ ràng, để đảm bảo việc thực hiện các quyền của công dân trong việc thành lập các hội và phát huy vai trò của các hội cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Toàn cảnh hội thảo sáng nay.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Mục đích của Hội thảo hôm nay đi sâu nghiên cứu hơn nữa thực tiễn và kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới và gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam. Luật về hội có đối tượng và phạm vi điều chỉnh như thế nào, những thiết chế nào thì được gọi là hội, phải đáp ứng nhiều kiện kiện gì những quy định gì thì mới được một hội… Trên cơ sở ấy chúng ta chắt lọc kết quả nghiên cứu, kết quả hội thảo gửi đến các cơ quan có liên quan đến việc thảo luận ban hành Luật về hội ở Việt Nam.”
Luât về Hội sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người – PGS.TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Theo số liệu chính thức từ Bộ nội vụ, tính đến tháng 12/2014 có 52.565 hội. Trong số này chỉ có 483 hội hoạt động trên toàn quốc và số còn lại hoạt động trên quy mô địa phương, có 8.792 hội có chức năng cụ thể.
Ông Scott Ciment, Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết: “ Việc thu thập các phản hồi tư công dân và các hiệp hội hiện hành ở cấp địa phương sẽ giúp Chính phủ hiểu được những khó khăn đang tồn tại hiện nay. Những phản hồi của họ sẽ giúp Chính phủ dự thảo một phiên bản cuối cùng của luật nhằm trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự và đưa ra những nguyên tắc rõ ràng và đơn giản hóa việc đăng ký và hoạt động trên toàn quốc cũng như ở địa phương của các tổ chức này.”
Hội thảo là một trong những hoạt động của dự án “ Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”do UNDP tài trợ để chuẩn bị cho một báo cáo về dự thảo Luật về Hội và các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc tạo ra một quy phạm khuôn khổ pháp luật cho các hội phi lợi nhuận đăng ký, hoạt động tại Việt Nam.
Đăng Hậu
Theo TCĐNA