Sau đó, hai người gồng mình với chiếc xích lô giữa mưa, mãi lúc sau chiếc xe mới nhấc lên được trên lòng vỉa hè. Hai ông bà nhìn nhau cười và tiến hành…đóng ve chai vào bao tải.
Đó là hoàn cảnh của hai ông bà tuổi đã ngoài thất thập cổ lai hy đang từng ngày kiếm cơm bằng… ve chai và phế liệu. Ông là Hồ Văn Tánh (80 tuổi). Bà là Nguyễn Thị Rợt ( 75 tuổi). Đáng nhẽ ở cái tuổi xế chiều này, nhiều người đã được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Thế mà hơn 20 năm nay, hai vợ chồng già phải mòn mõi từng ngày đi lượm ve chai từ sáng sớm cho đến tối để rau cháo qua ngày.
Ông Tánh và bà Rợt co ro bên chiếc xích lô giữa mưa.
Chú Bằng (một người chở đồ thuê trên đường Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: “ Hai ông bà tội lắm. Ngày mô cũng đi lượm ve chai rồi tới đây bán. Con cái thì đứa một nơi, cũng không giúp chi được cho hai ông bà”.
Gia đình ông bà cũng đông con cháu. Với 7 người con, 5 trai, 2 gái. Nhưng gia cảnh đứa con nào cũng không khá giả nổi. Con trai đầu lấy vợ rồi phát điên đã 15 năm nay. Mấy người con kia người thì lúc tỉnh lúc điên, người thì vợ bỏ, sống tha hương, lay lắt không kém hai ông bà. May có hai người con gái là đã có chồng con nhưng ở xa, cũng vất vả đủ bề, không lo được chu tất cho ba mẹ.
Ngày trước cả nhà ở dưới thuyền lênh đênh mưu sinh bên dòng Hương. Ông Tánh thì đạp xích lô thuê, còn bà Rợt thì bốc vác ở chợ Đông Ba. Nhưng rồi tuổi tác làm sức khỏe ông bà yếu đi, mắt bà Rợt thì không nhìn rõ nữa nên hai người đổi nghề, chuyển sang lượm ve chai mưu sinh đã hơn 20 năm nay.
Rồi chính quyền giải tỏa, tạo điều kiện cho cả nhà ông bà lên bờ sinh sống, cấp đất cho ở. Thế là những người con của hai ông bà chuyển qua sống ở Hương Sơ trên nền đất được cấp giải tỏa. Còn ông bà và đứa con trai út lúc tỉnh lúc điên bám trụ lại ở căn nhà nhỏ ọp ẹp tại góc trong kiệt 1 ở đường Đào Duy Anh (tp. Huế) cho đến bây giờ.
Ông Tánh ánh mắt xa xăm, vừa rít thuốc, vừa bộc bạch về cuộc sống lượm ve chai của mình và vợ suốt 20 năm qua.
Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, bà Rợt đã trở dậy đi thu gom bao bì của các hộ dân vất không dùng nữa rồi đem bán đổi tiền mua gạo và thức ăn cho cả nhà. Những ngày trời rét, ai nấy còn đang ngủ, bà cũng co ro dậy vì cuộc sống mưu sinh cho gia đình. Cứ thế riết thành quen. Hai ông bà đi lượm ve chai dọc đường Huỳnh Thúc Kháng. Ngày kiếm vài ba chục nghìn cầm cự qua bữa. “Nhiều nhất là những ngày Tết thôi, người ta đi đường thấy mình thương cũng cho vài chục ngàn, coi như lỳ xì đầu năm. Còn lại những ngày khác thì cầm cố qua ngày thôi, kiếm được đồng mô ăn đồng nấy.”- ông Tánh vừa rít điếu thuốc vừa bộc bạch.
Trong căn nhà chưa đầy 27m2 , ông Tánh sống cùng vợ và đứa con trai út lúc tỉnh lúc điên của mình tại kiệt 1 số nhà 6/16 Đào Duy Anh, thành phố Huế
Hai ông bà ngồi co ro dưới trời mưa, đợi người tới thu mua ve chai để… đi lượm tiếp. Trong cách nói chuyện của hai ông bà ánh lên niềm lạc quan với cuộc sống. Dù vất vả, nhưng hai ông bà không nản chí, vẫn hằng ngày mòn mõi mưu sinh. “Trời cho sức khỏe, người sống được thêm 10 năm nữa là nhất rồi. Không mong chi hơn”- ông Tánh nhìn bà cười.
Sau khi bán xong mẻ ve chai lúc chiều, bà Rợt lại xách bao đi lượm tiếp cho đến 8,9 giờ tối mới về. Chúng tôi theo chân ông Tánh đạp xích lô về căn nhà nhỏ che nắng che mưa. Trong căn nhà chưa đầy 27m2 là nơi cư trú của ông bà và người con trai út. Nhìn khắp nhà giống như một gian phòng nhỏ chả có gì đáng giá ngoài bàn thờ tổ tiên và chiếc tivi chắc cũng lâu lắm rồi. Nhìn lên mái tôn che nắng che mưa mà thấy được ánh sáng bên ngoài dọi xuống người. “Những ngày mưa phải lấy xô chậu ra hứng không thì nó dột hết! Biết nó dột mà không có tiền để thay tôn mới nơi. Rồi tường nứt hết cũng phải để rứa chơ biết răng giờ”- ông Tánh tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Tề (hàng xóm) cho hay: “ Ông bà vất vả đủ bề. Con cái cũng không giúp được chi nhiều. Có thằng con trai nó ở chung mà lúc tỉnh thì đạp xích lô thuê còn đỡ. Lúc điên lên thì nó đập phá nhà tan nát hết luôn. Tội lắm!”
Hai ông bà tất bật để mưu sinh.
Bài; ảnh: Thanh Nhàn