Sự việc luật sư Hồi giáo Ko Ni, cố vấn pháp lý cho đảng cầm quyền Myanmar, bị bắn chết bên ngoài sân bay Yangon ngày 29-1 là vụ ám sát chính trị và một “hành động khủng bố”.
Đó là nhận định của đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 30-1. “Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ ám sát ông Ko Ni vì đó là một hành động khủng bố, chống lại chính sách của đảng NLD” – NLD tuyên bố. Tuy nhiên, phía cảnh sát vẫn chưa thông báo về động cơ sát hại cố vấn Ko Ni.
Ông Ko Ni là một thành viên nổi bật của cộng đồng người Hồi giáo tại Myanmar, người mạnh miệng phản đối những tín đồ Phật giáo không thiện cảm với Hồi giáo, lên án vai trò mạnh mẽ của quân đội trong chính phủ.
Con gái luật sư Ko Ni, bà Yin Nwe Khine, nhớ lại: “Cha tôi thường xuyên bị đe dọa và chúng tôi đã được cảnh báo phải cẩn thận nhưng cha tôi không chấp nhận việc đó một cách dễ dàng. Ông luôn làm điều mà ông cho là đúng”.
Cảnh sát đứng bên ngoài bệnh viện, nơi để thi thể ông Ko Ni hôm 29-1. Ảnh: REUTERS
Cố vấn của đảng cầm quyền Myanmar Ko Ni bị ám sát tại sân bay. Ảnh: REUTERS
Luật sư Ko Ni đang giữ cháu trai vào thời điểm ông bị bắn chết tại sân ga chính của sân bay quốc tế Yangon. Phương tiện truyền thông đăng tải hình ảnh một người đàn ông nhắm một khẩu súng vào phía sau đầu của ông Ko Ni. Một quan chức cảnh sát cho hay nghi can là một công dân Myanmar 53 tuổi đến từ TP Mandalay.
Người phát ngôn tổng thống Htin Kyaw, ông Zaw Htay, cho biết tài xế taxi cố ngăn cản tay súng cũng bị bắn chết. “Chúng tôi bắt giữ và đang thẩm vấn tay súng để tìm hiểu lý do vì sao y lại giết chết ông ấy và kẻ đứng sau hoặc kẻ chi tiền để y làm điều này” – ông Htay nói.
Sự việc xảy ra khi ông Ko Ni thảo luận cùng các lãnh đạo địa phương về những căng thẳng sắc tộc ở bang Rakhine. Quân đội Myanmar đã tiến hành một chiến dịch truy quét các cộng đồng Rohingya, chủ yếu là người Hồi giáo, khiến hàng chục ngàn người phải rời khỏi nước này.
Lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đang phải chịu áp lực về một chiến dịch an ninh mạnh tay hơn trong khu vực phía Tây Bắc đất nước mà chủ yếu là người Hồi giáo sinh sống.
H.Bình (Theo The Straits Times, Reuters)
Theo Báo Người lao động