Với luồng kiều hối tăng mạnh cùng chính sách lãi suất ưu đãi của ngân hàng, các chuyên gia nhận định, những tháng cuối năm vẫn sẽ là thời điểm nóng của thị trường bất động sản.
Sau 3 năm lao động ở nước ngoài, anh Ngọc (34 tuổi, ngụ ở Cầu Giấy, Hà Nội) về nước và dồn tiền mua căn hộ để cho thuê lại. Anh tính toán, so với các kênh chứng khoán, vàng, đầu tư vào bất động sản thời điểm này rủi ro thấp hơn. Trong khi đó, gửi tiết kiệm không phải là lựa chọn, khi lãi suất không đủ hấp dẫn bù đắp phần trượt giá. “Nhà đất mua là còn, vừa giữ của, vừa sinh lời”, anh Ngọc nói
Gia đình anh Ngọc chỉ là một trong số nhiều người đang rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư bất động sản vào thời điểm này.
Sức hút của bất động sản trung cao cấp
Thị trường đang phản ánh đúng như báo cáo về xu hướng lựa chọn kênh đầu tư trong năm 2016 được Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đưa ra vào đầu năm. Theo đó, chiếm vị trí dẫn đầu lần lượt là bất động sản cho thuê và bất động sản mua.
Bất động sản cho thuê và bất động sản mua dẫn đầu xu hướng lựa chọn kênh đầu tư năm 2016, theo TCBS. Ảnh: Sungrandcity.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy 8 tháng năm 2016, tại Hà Nội có khoảng 10.250 giao dịch thành công. Con số tại TP.HCM cũng tương đương, với khoảng 10.200 giao dịch thành công, giá bán tăng từ 1-5%.
Đáng chú ý, phân khúc bất động sản trung và cao cấp có sức hấp dẫn vượt trội. Điều này cũng phản ánh sức nóng của một loạt các dự án ở phân khúc này đang được mở bán trên cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tại thị trường phía Nam, cung đường 6 km ven sông Sài Gòn, kéo dài từ Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) đến bến Vân Đồn (quận 4) đã chứng kiến một loạt các dự án, tạo nên nguồn cung lớn cho phân khúc căn hộ cao cấp, với trên 20.000 sản phẩm. Một loạt cái tên thu hút sự chú ý của giới đầu tư như Vinhomes Golden River, Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền…
Ở Hà Nội, sự chú ý đổ dồn vào một loạt dự án của các đại gia bất động sản như Vingroup (bao gồm Vinhomes Liễu Giai, Vinhomes Gardenia Mỹ Đình…), FLC (FLC Complex Phạm Hùng, FLC Star Tower, FLC Luxury Resort Samson…), Sun Group (dự án Sun Grand City) hay Tân Hoàng Minh với D’Capital…
Báo cáo của Saville cho thấy 9 tháng đầu năm 2016, số lượng nhà đầu tư rót vốn vào bất động sản để cho thuê hoặc bán lại kiếm lời tăng mạnh. Đặc biệt, phân khúc bất động sản cao cấp và trung bình khá, nhà đầu tư thứ cấp chiếm trên dưới 50%, tùy các dự án.
Khảo sát của CBRE tại thị trường TP.HCM cũng phản ánh bức tranh tương tự. Ngay cả những người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM thì cũng chủ yếu nhằm đầu tư, kinh doanh, trong đó 38% mua để cho thuê, 21% mua để bán lại.
BĐS là kênh duy nhất có lời thực dương?
Sức hấp dẫn của các dự án bất động sản trung vào cao cấp nằm ở tỷ suất sinh lợi tương đối cao. Theo TS Huỳnh Thế Du, 10 năm qua, cùng với vàng, bất động sản cao cấp chính là hai kênh duy nhất có hiệu suất sinh lời thực dương.
Nhiều người chọn đầu tư vào bất động sản ở dòng cao cấp thay vì bỏ tiền vào chứng khoán hay gửi ngân hàng. Ảnh: Vinhomes.
Dễ nhận thấy các dự án trung và cao cấp ở vị trí thuận lợi về giao thông cũng như hạ tầng và hệ sinh thái xung quanh tốt đã chứng minh khả năng sinh lời trên thực tế. Với vợ chồng chị Phương – anh Ngọc, khi rót vốn đầu tư, mối quan tâm hàng đầu là tiềm năng cho thuê mặt bằng của căn hộ.
“Bạn tôi mới mua căn ở Vinhome Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, chưa nhận nhà đã có người gọi hỏi thuê, nên cũng an tâm”, chị Phương chia sẻ.
Với căn hộ cho thuê, báo cáo Savills cho biết công suất bình quân tại Hà Nội đạt trên 87%, trong khi ở TP.HCM đạt 84%. Giá thuê căn hộ ở Hà Nội hiện dao động từ 30-60 triệu/căn/tháng tùy diện tích, vị trí, trong khi ở TP.HCM, mức thuê trung bình hơn 500.000 đồng/m2/tháng (24 USD/m2/tháng), tăng 2% so với năm trước. Đáng chú ý, thị trường TP.HCM đánh đấu sự cải thiện đáng kể về giá thuê sau 3 năm suy giảm liên tục.
Một chuyên gia kinh tế lí giải, sự trở lại của bất động sản như một kênh đầu tư là đón kịp xu hướng phục hồi của thị trường. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác đang thiếu hấp dẫn. Vàng vừa rủi ro giá, vừa rủi ro chính sách; lãi suất tiết kiệm giảm mạnh; chứng khoán bấp bênh và đang trong xu hướng điều chỉnh mạnh.
Trong khi đó, tâm lý nhiều người Việt vẫn thích đầu tư vào bất động sản. Không chỉ thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, bất động sản đang đón làn sóng trở lại của kiều hối. Năm 2015, khoảng 20% lượng kiều hối đã chảy vào khu vực này, và dự đoán sẽ tăng mạnh thêm trong năm 2016.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng việc kiều hối chảy mạnh vào bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng người dân thấy hấp dẫn khi đầu tư vào lĩnh vực này.
An Nhiên
Theo zing.vn