Trong khi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với các biến động mạnh và nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, các quốc gia ASEAN tiếp tục có vai trò quan trọng. Học giả quốc tế nhấn mạnh, ASEAN không phải là con rối mà là một đối tác kinh tế sáng giá.
Thông tin về tranh chấp Biển Đông đã chiếm lĩnh nội dung và tiêu đề các trang báo, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) kết luận, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở. Tuy nhiên, phán quyết này mang lại điều gì cho nền kinh tế chung của ASEAN? Liệu triển vọng kinh tế có sụt giảm nếu căng thẳng với Trung Quốc leo thang?
Ông Simon Tay – Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore.
Theo nhà nghiên cứu Simon Tay – Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) cho rằng, các khác biệt chính trị có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và tác động tiêu cực là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến một khu vực ASEAN thịnh vượng và đoàn kết có thể lạc quan.
Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng các con đường giao thông hàng hải, đất liền và hàng không khắp khu vực. Ngân hàng do Trung Quốc sáng lập là Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á dự kiến sẽ tài trợ cho các dự án quan trọng và tăng cường kết nối hạ tầng cả trong khu vực và với các đối tác lớn hơn.
Tuy nhiên, học giả Simon Tay khẳng định, trong khi Trung Quốc là nhân tố chính, điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thống trị khu vực. Các đối tác đa phương khác như Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đang tích cực đầu tư. Tương tự như vậy là các đối tác khác như Mỹ, Nhật. Cũng theo nhận định của các chuyên gia, Mỹ cũng có thể tăng cường vai trò của mình hơn thông qua các hiệp định thương mại chất lượng cao như Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các con số về thương mại và đầu tư cũng chứng minh ASEAN không lệ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu với tổng kim ngạch thương mại song phương là 15,2% nhưng theo sau “sát nút” là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đều chiếm khoảng 10%. Số liệu đầu tư cho thấy, EU đang dẫn đầu với 16,4% tổng dòng vốn đến ASEAN, theo sau là Nhật Bản (14,5%), Mỹ (10,2%) và Trung Quốc chỉ ở mức 6,8%.
Trong khi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với các biến động mạnh và nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, các quốc gia ASEAN tiếp tục có vai trò quan trọng. Không chỉ ASEAN cần Trung Quốc mà Bắc Kinh cũng gặt hái được các lợi ích kinh tế từ nhóm 10 thành viên. ASEAN không phải là con rối mà là một đối tác sáng giá quan trọng.
Học giả người Singapore cũng chỉ ra những chỉ dấu cho thấy, ASEAN đang tham vọng cải cách nền kinh tế hơn bao giờ hết trong những năm gần đây.
Ví dụ như Indonesia, Tổng thốg Joko Widodo đã tiến hành 12 gói cải cách kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng và thu hút đầu tư. Không chỉ có Indonesia, cải tổ kinh tế đang được lên kế hoạch ở khắp các quốc gia ASEAN, từ Thái Lan – nền kinh tế có GDP đứng thứ 2 khu vực đến Myanmar. Bên cạnh đó, chính phủ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Philippines phấn đấu cho sự phát triển toàn diện như tìm kiếm hình thức đầu tư hiệu quả, tạo ra công việc và nhiều cơ hội hơn cho DN nhỏ và vừa ở địa phương.
Ông Simon Tay cũng nhấn mạnh, cải cách sẽ không đơn giản và đòi hỏi nỗ lực lâu dài nhưng thực sự cần thiết. Đây là cách để giải quyết các bất đồng, thậm chí cả vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, và giúp chính phủ, DN và cả người dân ASEAN đều hưởng lợi.
Lan Hương
Theo KTĐT