Chính phủ Nga đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cảnh báo và hướng dẫn mọi người chụp hình selfie sao cho an toàn. Tờ báo Nga Izvestia đã đăng bài viết với tựa đề: “Sức khỏe và cuộc sống của bạn đáng giá hơn những bức ảnh hàng triệu like”.
Trong khi đó Bộ Nội vụ Nga đã tiến hành họp báo để khuyến cáo những nơi không nên chụp ảnh “tự sướng”. Thông tin được truyền tải bằng hình minh họa sinh động, tương tự biển báo giao thông và sẽ in phát dưới dạng tờ rơi. Trong thông điệp gửi đi có cảnh báo: “Một bức ảnh selfie đẹp có thể đánh đổi bằng cả mạng sống”.
Một tình huống selfie nguy hiểm -Ảnh: Reuters
Trong thời hiện đại, nghiện càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Ông Bryun chắc chắn rằng nghiện chụp ảnh tự sướng có thể là một vấn đề nghiêm trọng dẫn đến sự gia tăng các vụ tai nạn.
Những người phớt lờ với các mối nguy hiểm khi chụp ảnh “tự sướng” có thể thấy hài hước khi xem biển cảnh báo: “Không selfie khi đang cầm súng”. Nhưng thực tế là một người phụ nữ 21 tuổi tại Nga đã bắn vào mình trong khi mải mê tự chụp chân dung.
Rất may cô sống sót. Trong vụ việc tương tự, một người đàn ông Mexico đã chết sau khi bắn vào đầu mình lúc đang selfie cùng khẩu súng.Thời gian qua còn ghi nhận hai thanh niên chết vì điện giật khi cố gắng selfie trên nóc tàu. Một người đàn ông Singapore đã tử nạn sau khi mất thăng bằng vì cố gắng selfie cạnh vách đá ở Bali (Indonesia). Khảo sát của nhà mạng AT&T (Mỹ) cho biết, 17% số người được hỏi thừa nhận sử dụng điện thoại để tự chụp hình trong khi lái xe.
Việc lưu giữ những khoảnh khắc đẹp là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên không ít người bất chấp nguy hiểm để selfie, tìm kiếm những bức ảnh đẹp nhằm đăng lên Facebook với mong muốn có thật nhiều “like”.
Phát ngôn Bộ Nội vụ Nga cảnh báo: “Trước khi chụp ảnh selfie, bạn hãy nghĩ đến hậu quả của cuộc đua cho bức ảnh có nhiều lượt ‘like’, nó có thể phải đánh đổi bằng cả mạng sống”.
Bộ cảnh báo này sẽ được in ra cho tất cả cảnh sát để sớm chuyển đến người dân, nhất là giới trẻ. Bộ Nội vụ Nga khuyến khích người dân đóng góp thêm các “kịch bản” mà người chụp ảnh “selife” có thể bị đe dọa tính mạng, sức khỏe.
Hồi đầu năm, một phong trào của người dân đã đề xuất mở các buổi học ngoại khóa về cách chụp ảnh “tự sướng” cho các trường học nhằm giảm số vụ tai nạn liên quan đến việc này. Hồi tháng 4, một số chính trị gia cũng đã yêu cầu quan chức an ninh Moscow cấm sử dụng “gậy tự sướng” (monopod) trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức.
Ngọc Bích