Quốc hội thống nhất mới được bầu ra của Myanmar sáng nay đã bắt đầu phiên họp đầu tiên ở Nay Pyi Taw, 10 ngày sau khi quốc hội trước kết thúc nhiệm kỳ.
Động thái này diễn ra 3 tháng sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11/2015, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu giành được đa số ghế tuyệt đối trong Quốc hội.
Phiên họp đầu tiên này do Chủ tịch Thượng viện U Mann Win Khaing Than, thành viên NLD, chủ trì, với sự tham gia của tổng cộng 648 thành viên của Quốc hội thống nhất.
Quốc hội thống nhất mới của Myanmar nhóm họp phiên đầu tiên, đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình chuyển giao quyền lực với quân đội.
Vấn đề mà người dân Myanmar và dư luận thế giới quan tâm lúc này là ai sẽ làm Tổng thống trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Thein Sein sẽ kết thúc vào ngày 31/3. Đảng NLD vẫn nuôi hy vọng vận động hành lang để thay đổi hiến pháp, bước đi cho phép bà Aung San Suu Kyi kế nhiệm ông Thein Sein.
Theo điều khoản trong Hiến pháp, cấm không cho làm lãnh đạo Myanmar đối với bất kỳ ai có người trong gia đình là công dân nước ngoài nên bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống, vì bà có hai con trai trưởng thành mang quốc tịch Anh.
Chủ tịch NLD Aung San Suu Kyi có thể chấp nhận trao đổi điều kiện với quân đội để được sửa đổi
hiến pháp, giúp bà nắm quyền Tổng thống.
hiến pháp, giúp bà nắm quyền Tổng thống.
Sự cứng rắn trong quan điểm không thay đổi hiến pháp của lực lượng quân đội trong Quốc hội đã làm tăng sự lo ngại quanh cuộc chuyển giao quyền lực, sau cuộc bầu cử quốc hội lịch sử tại Myanmar. Việc NLD nắm thế thượng phong tại quốc hội là bước đi chuyển giao quyền lực, sau hơn 50 năm chế độ quân sự kiểm soát Myanmar nhưng 1/4 số ghế quốc hội vẫn dành cho các sĩ quan quân đội khiến tham vọng hơn 75% nghị sĩ ủng hộ thay đổi hiến pháp là điều bất khả thi.
Đặc biệt, quân đội Myanmar vẫn nắm giữ các vị trí chủ chốt và quyền quan trọng khác như khả năng chỉ định các bộ trưởng nội vụ, quốc phòng và biên giới nên dù NLD dù thắng lớn ở kỳ bầu cử, vẫn phải chấp nhận việc chia sẻ quyền lực với quân đội.
Nhiều khả năng NLD sẽ “lách” lệnh cấm bà Aung San Suu Kyi làm Tổng thống bằng cách tạm ngưng vận dụng điều khoản trong hiến pháp. Việc tạm ngưng vận dụng phù hợp với các quy định của hiến pháp, vì nó không trực tiếp sửa đổi hiến pháp, nhưng chỉ tạm ngưng vận dụng điều khoản này. Theo Ông Ko Ni, cố vấn pháp lý cao cấp của NLD, biện pháp này có thể được thực hiện bởi chỉ cần sự ủng hộ của đa số trong quốc hội mà NLD đang nắm gần 60% số ghế.
Hân Hân
Theo Xinhua, CNA
Theo Xinhua, CNA
Theo KTĐT