Năm 2015, mặt bằng lãi suất cho vay VND giảm 0,3-0,5% so với cuối năm trước, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2016 việc giảm lãi suất sẽ không dễ dàng…
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại buổi họp báo về hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng 24/12 tại Hà Nội, trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, bảo đảm duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho cho vay so với trần quy định; điều tiết thanh khoản của các TCTD hợp lý để tạo điều kiện giảm bằng bằng lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngày, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5%-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5% so với cuối năm trước; trong đó lãi suất ngắn hạn giảm 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. So với thời điểm cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất giảm đến khoảng 50%. Mức lãi suất hiện nay tương đương lãi suất giai đoạn 2005-2006, là giai đoạn kinh tế phát triển bình thường.
Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5% nhưng huy động vốn vẫn tăng. Tính đến 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước, tín dụng tăng 17,17%.
Cũng theo NHNN, thanh khoản VND của hệ thống các TCTD tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, sẵn sàng đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định, thông suốt nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng tiền, phối hợp công cụ hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, các TCTD tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tài sản, chú trọng hơn trong quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống.
Như vậy, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, lãi suất tại Việt Nam vẫn cao, vậy thời gian tới NHNN có tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lãi suất chỉ là một trong các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố khác như: Quá trình sản xuất, chi phí nguyên liệu đầu vào…Lãi suất hiện nay đã giảm rất nhiều so với mức 20%-25%/năm hồi cuối 2011. “Đó là do hệ thống ngân hàng đã tổ chức điều hành tốt để giảm mặt bằng lãi suất trong khi vẫn kiểm soát tốt được lạm phát”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, ngoài điều hành chung, Thống đốc NHNN còn kêu gọi TCTD miễn giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, lãi suất có dư nợ cao giảm mạnh, cho thấy hệ thống TCTD giai đoạn qua chia sẻ nhiều với doanh nghiệp bởi TCTD vừa giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vừa trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu nên chênh lệch nên lợi nhuận giảm.
Phó Thống đốc NHNN thừa nhận, so với các nước trong khu vực lãi suất tại Việt Nam vẫn cao. Tuy nhiên, “có thể lạm phát hiện của chúng ta so với các nước tương tự nhưng rõ ràng chúng ta có khác biệt với các nước là vừa phải điều hành chính sách tiền tệ nhưng hệ thống ngân hàng đang tổ chức cơ cấu lại TCTD, mà TCTD phải sử dụng nhiều phần lợi nhuận để bù đắp, tháo gỡ khó khăn, xử lý nợ xấu nên khả năng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó khăn”, bà Hồng nhấn mạnh.
Năm 2015, lãi suất cho vay giảm 0,3-0,5%
Việc giảm lãi suất sẽ khó khăn còn bởi lạm phát không thể chủ quan. Phó Thống đốc phân tích, lạm phát 2015 có tác động bởi yếu tố giá cả thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu. Cuối năm 2015 giá dầu gần đạt mức đáy nên nếu như trong trường hợp giá dầu tăng trở lại vào năm 2016 thì yếu tố tác động đến lạm phát cũng rất đáng quan tâm. Điểm nữa là năm 2016 sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như: Chi phí y tế, giá điện, giáo dục..sẽ tác động đến lạm phạt. Vì thế, nếu trong điều hành không có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra đúng thời điểm giá cũng như phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ thì lạm phát cũng không thể duy trì thấp như 2015 (lạm phát năm 2015 là gần 1%). Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ áp lực cho điều hành lãi suất.
“Hệ thống ngân hàng luôn mong muốn tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng việc giảm lãi suất ở mức độ, liều lượng như thế nào phải cân đối với mục tiêu vĩ mô, sự an toàn hệ thống, sức chịu đựng của các TCTD…Đó là bài toán tổng thể, NHNN sẽ theo dõi để có điều hành phù hợp”, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.
Thanh Hương
Theo Báo Hànộimới