Dù tăng trưởng chậm lại, nhưng Ngân hàng Thế giới vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức trên 6% trong giai đoạn 2016-2018, và vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong khối ASEAN.
GDP Việt Nam ở mức 6,2% năm 2016
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 11/4 đã công bố báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam cho năm nay và năm tới.
Theo báo cáo, tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018. Báo cáo kêu gọi tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững; khuyến nghị tăng cường kỷ cương thị trường trong ngành tài chính; chuyển hướng chi công từ chi hạ tầng sang các ngành dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và hướng tới bảo vệ môi trường.
Báo cáo chỉ ra, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ tăng trưởng 5,1% (2016) và 5,3% (2017), trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong năm 2016, nhờ các hoạt động không ngừng mở rộng kinh doanh ở nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang chuyển đổi từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu và đầu tư đang nền kinh tế phụ thuộc lớn hơn vào chi tiêu tiêu dùng nên mức dự báo tăng trưởng mà WB dành cho Trung Quốc sẽ là 6,7% (2016) và 6,5% (2017), giảm so với mức 6,9% (2015).
WB dự báo GDP Việt Nam ở mức 6,2% năm 2016
Báo cáo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt. Sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013 nền kinh tế tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức 6,7% năm 2015. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm trong đó nghèo cùng cực đã xuống dưới mức 3%. Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2% trong năm 2016 và 6,3% trong cả 2 năm tới.
Tuy nhiên, nếu so sánh tăng trưởng Việt Nam với các nước khác. “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức tăng trưởng tốt. Dù tăng trưởng chậm lại, nhưng WB vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức trên 6% trong giai đoạn 2016-2018, và sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong khối ASEAN” ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB nhận định.
Ổn định tài khóa, kết nối khu vực FDI với tư nhân
Trong báo cáo của mình, WB cũng nêu ra một loạt những rủi ro và thách thức của Việt Nam. WB cho rằng tốc độ tái cơ cấu chậm đang gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn của Việt Nam, trong khi rủi ro tài khóa cũng được cho là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo chỉ ra Việt Nam vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ cần hợp nhất. Tuy nhiên, việc hợp nhất không chỉ ở việc hạ nhanh số lượng ngân hàng, mà cần thực hiện với một quy trình chặt chẽ, phù hợp. Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh, sau quá trình sáp nhập, cơ cấu ngành ngân hàng, Việt Nam có khoảng 34 ngân hàng thương mại. Theo đánh giá của WB, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ nhất định, thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập, nhưng vẫn khó có thể đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống còn 15 – 17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số 34 ngân hàng hiện nay.
Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tuy đã giảm xuống còn mức 3% tổng giá trị các món vay. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn.
Việt Nam cần làm gì để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai xa hơn? ông Sandeep Mahajan, cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là việc thu hút đầu tư vào ngành chế biến chế tạo. Vấn đề là làm sao để có thể kết nối khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước một cách tốt hơn để khu vực kinh tế tư nhân trong nước đạt năng suất cao hơn. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện ổn định tài khóa, thúc đẩy sự linh hoạt của tỷ giá và nâng mức dự trữ ngoại hối để giảm thiểu những yếu tố dễ bị tổn thương này.
Nguyên Anh
Theo KTĐT