Làm thế nào để có được nguồn vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đang trở thành một vấn đề cấp bách đối với Việt Nam hiện nay? Đó là một trong những nội dung quan trọng tại Diễn đàn các đối tác phát triển 2015 diễn ra cuối tuần qua
Dựa vào nguồn thu trong nước là chính
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị những định hướng quan trọng cho 5 năm sắp tới, VDPF 2015 là nơi các đối tác bày tỏ các ý kiến đóng góp thẳng thắn để các nhà hoạch định chính sách tham khảo cho giai đoạn mới. Với tinh thần đó, một trong những vấn đề lớn được Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa đề cập đến tại Diễn đàn là khó khăn về nguồn lực của Việt Nam cho những chương trình phát triển trong 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần. Theo phân tích của đại diện WB, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính.
Thu vé tại Trạm thu phí Km188 + 300 Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Trong khi đó, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước/GDP đã cho thấy xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Vì thế, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Chung quan điểm này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng, quá trình đô thị hóa mỗi năm khoảng nửa triệu người dân di cư tới các đô thị lớn, điều đó dẫn tới tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng đang phải gánh chịu các hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng nhiều, do đó cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng ứng phó tốt hơn. “Tất cả những thách thức này đòi hỏi môi trường tài chính thay đổi để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, Việt Nam tiếp tục bị mất đi các nguồn viện trợ không hoàn lại và vay vốn ODA ưu đãi. Điều này đang làm giảm một nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng mà thường được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu” – ông Eric Sidgwick nói.
Thúc đẩy mô hình đối tác công – tư
Ông Eric Sidgwick đã đưa ra “3 vấn đề chính mà các đối tác phát triển nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam nên có những hành động ngay lập tức để bắt đầu tiến trình nhằm đối phó với vấn đề này”. Theo đó, thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nguồn ODA sẵn có. Thứ hai, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn nội địa bằng cách tăng cường thị trường tiền tệ ngắn hạn, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ và áp dụng đầy đủ các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế để nâng cao năng lực quản trị. Thứ ba, cần nâng cao vai trò của phát triển đối tác công – tư (PPP) bằng việc chọn lọc các dự án tiêu biểu để chứng minh giá trị của mô hình này với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Mô hình đầu tư PPP chính là “chìa khóa” thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng với những ưu điểm vượt trội như hỗ trợ sự thiếu hụt tài chính cho Chính phủ, gia tăng hiệu quả điều hành và cải thiện việc phân phối dịch vụ; Tạo ra các giá trị tăng thêm cho người tiêu dùng lẫn Chính phủ, cắt giảm chi phí thông qua phân chia rủi ro hợp lý” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh. Việt Nam có thể học hỏi từ các nước đã phát triển về hình thức đầu tư PPP tại châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. “Các công ty quốc tế đang tìm kiếm các cơ hội triển khai dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ tham gia vào các dự án này nếu như có một hành lang pháp lý mạnh và minh bạch” – một số chuyên gia chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, đánh giá cao và chân thành cảm ơn những ý kiến góp ý đầy thiện chí, với tinh thần xây dựng cao của đại diện WB và các tổ chức, cơ quan hợp tác quốc tế, các chuyên gia. Trước những góp ý trên, Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi nghiêm túc nhận thấy rằng, kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém, chưa đạt như mong muốn”. Đi thẳng vào câu hỏi: “Lấy vốn đâu để phát triển nhanh, bền vững?”, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả quy định của kinh tế thị trường sẽ là điều kiện quan trọng để huy động các nguồn vốn cả trong nước và quốc tế: “Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, trong đó ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân dưới hình thức DN vừa và nhỏ…”.
Cải cách triệt để DN Nhà nước Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu thông qua TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, điều quyết định là Việt Nam thực hiện các giải pháp cải cách toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất của nền kinh tế để cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là cải cách triệt để DN Nhà nước.
Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc.
Chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt ứng phó với bất ổn tài chính toàn cầu
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể làm tăng tính bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu và tăng khả năng tác động lan truyền tới nền kinh tế Việt Nam. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo điều kiện tăng dự trữ quốc tế và có thể hỗ trợ tăng trưởng sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam ổn định hơn và đảm bảo sự ổn định về tài khóa khi phải đối mặt với những bất ổn và cú sốc từ bên ngoài.
Ông Jonathan Dunn – Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam
|
Trâm Anh
Theo KTĐT