Thành viên của Lực lượng quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) ở Laukkai, thủ phủ của vùng Kokang, miền bắc Myanmar. Ảnh:Reuters
Giao tranh nổ ra vào ngày 9-2 khi khoảng 1.000 quân nổi dậy của Lực lượng quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) tấn công vào một số tiền đồn của quân chính phủ ở khu vực Kukang, bang Shan, miền Bắc Myanmar, theo báo Global New Light của Myanmar.
Trung Quốc hôm 10-2 đã bày tỏ lo ngại khi cuộc xung đột gần biên giới sẽ gây ra làn sóng người tị nạn tràn qua Trung Quốc. Hồi năm 2009, khoảng 30.000 thường dân Myanmar đã buộc phải chạy sang Trung Quốc khi giao tranh dữ dội nổ ra giữa quân đội chính phủ và lực lượng MNDAA.
Myanmar luôn trong tình trạng bất ổn khi có hàng chục nhóm vũ trang sắc tộc hoạt động trong nước kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Những nỗ lực đàm phán giữa chính phủ và các nhòm vũ trang này đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, một hiệp ước ngừng bắn hoàn toàn trên cả nước vẫn chưa được ký kết.
Năm 1989, Lực lượng quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar đã ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ và trở thành tổ chức phiến quân đầu tiên thực hiện điều này trong số hàng chục nhóm vũ trang dân tộc ở Myanmar. Tuy nhiên, xung đột với MNDAA không chấm dứt hẳn và vẫn nổ ra vào năm 2009.