Seatimes – Ngày 10/4/2023, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, có 44 quốc gia đã bày tỏ quan tâm tới việc tham gia Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) của IMF trị giá 40 tỷ USD.
RST được thành lập cách đây 1 năm nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng như các nước dễ bị tổn thương ứng phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch.
Bà Georgieva cho biết, RST sẽ bổ trợ cho tác động của khoản tiền được IMF phân bổ cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), theo đó cho phép những nước giàu hơn chuyển các quỹ dự phòng khẩn cấp cho những nước dễ bị tổn thương giải quyết những thách thức dài hạn có nguy cơ gây bất ổn kinh tế đất nước.
Phát biểu tại một sự kiện có chủ đề “Tăng cường khả năng chống chịu và tài chính bền vững”, do Ủy ban Bretton Woods, Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) và Viện Paulson đồng tổ chức khi bắt đầu Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Georgieva cho biết nhu cầu rất lớn đối với chương trình RST cho thấy sự cần thiết của hợp tác toàn cầu trong việc triển khai hàng nghìn tỷ USD đầu tư nhằm đưa thế giới vào lộ trình trung hòa khí thải.
Theo bà Georgieva, các nước Rwanda, Barbados, Costa Rica, Bangladesh và Jamaica đã đạt các thỏa thuận về chương trình cho vay từ RST.
Tổng Giám đốc IMF cho biết: “40 tỷ USD không phải là một giải pháp, song đó là một sự đóng góp cho một giải pháp nếu số tiền này giúp dỡ bỏ các hàng rào ngăn cản đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào các thị trường và nền kinh tế đang phát triển”.
Tuy nhiên theo bà, “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Bà nhấn mạnh: “Giải quyết thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và mang tính tập thể dựa trên 3 yếu tố tương trợ, bao gồm các chính sách thích hợp, đầu tư và đổi mới, tài chính.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng Giám đốc IMF, ông Li Bo cho biết sự phối hợp giữa các thể chế đa phương, các cơ quan nhà nước và lĩnh vực tư nhân sẽ rất quan trọng để biến các thách thức khí hậu thành cơ hội. “Riêng năng lượng tái tạo đã cần 1.000 tỷ USD/năm”, ông Li Bo cho biết.
Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), ông Jin Liqun nhấn mạnh, cần nâng cao ý thức người dân về khủng hoảng khí hậu. “Bởi vì nếu không tin rằng một cuộc khủng hoảng đang sắp xảy ra, sẽ không thể huy động được đủ nguồn lực cho mục tiêu đó”, ông Jin Liqun nói.
Hội nghị mùa Xuân năm nay của IMF và WB diễn ra trong bối cảnh lạm phát tăng cao và mối quan ngại gia tăng về “sức khỏe” của ngành ngân hàng sau những bất ổn gần đây trong lĩnh vực này./.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ